Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường công tác phòng chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh

08:07, 28/03/2018

Theo thống kê của Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) tỉnh, trong 2 năm trở lại đây, toàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 218,5 ha rừng (trong đó có 213,24 ha rừng trồng).

Có nhiều nguyên nhân xảy ra cháy rừng. Bên cạnh yếu tố khách quan về thời tiết, khí hậu khô nóng thì còn nguyên nhân chủ quan chủ yếu do nhận thức của người dân như: ý thức PCCC của nhiều người chưa cao; vẫn còn xảy ra tình trạng đốt rẫy để sản xuất, xử lý thực bì không đúng quy định dẫn đến cháy lan vào rừng; bất cẩn khi sử dụng lửa trong sinh hoạt… Trong khi đó, nhân lực và phương tiện, dụng cụ dùng cho chữa cháy rừng rất thiếu thốn, không bảo đảm yêu cầu phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Phương tiện chữa cháy của chủ rừng, cấp huyện, xã hầu như còn thô sơ nên việc phát hiện đám cháy và chữa cháy ban đầu rất khó khăn.

Cán bộ  Hạt  Kiểm lâm Vườn  Quốc gia Yok Đôn phát dọn thực bì để phòng chống cháy rừng.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn phát dọn thực bì để phòng chống cháy rừng.

Ngay từ đầu mùa khô năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 372/QĐ-UBND, ngày 12-2-2018 phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2018 của tỉnh; trong đó đề ra những công việc cụ thể cho UBND các huyện, các sở, ban ngành có liên quan tăng cường công tác phòng chống cháy rừng. Để chủ động phòng ngừa và khắc phục các sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng cháy và chữa cháy rừng nhằm giảm số vụ cháy trong các mùa khô, Cảnh sát PCCC tỉnh đã thường xuyên phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, ban quản lý rừng, chủ rừng tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy: Hầu hết UBND các huyện đã quan tâm, chỉ đạo công tác phòng cháy chữa cháy rừng, các hạt kiểm lâm huyện là đơn vị nắm tình hình và tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy rừng. Tuy nhiên, trên thực tế, sự phối hợp trong chỉ đạo, quản lý giữa các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương về công tác phòng chống cháy rừng vẫn chưa cao; năng lực của lực lượng chuyên trách về công tác phòng cháy chữa cháy rừng còn hạn chế; đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng còn yếu về nghiệp vụ, thiếu về số lượng nên chưa bảo đảm việc tham mưu, đề xuất kịp thời cho lãnh đạo các đơn vị về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng ngay từ cơ sở. Mặt khác, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh chỉ có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn về công tác phòng cháy chữa cháy rừng và tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu nên công tác quản lý và kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy rừng còn nhiều bất cập, chưa cụ thể, chưa xây dựng quy chế phối hợp về phòng cháy chữa cháy rừng giữa lực lượng Kiểm lâm và lực lượng Cảnh sát PCCC. Do vậy, quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC và quá trình triển khai thanh tra chuyên ngành PCCC còn nhiều khó khăn.

Cán bộ Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn tuần tra.
Cán bộ Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn tuần tra.

Thiết nghĩ, để giảm tối đa các vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, các cơ quan, ban ngành và mọi người dân trên địa bàn tỉnh cần chủ động thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Các cơ quan chức năng cần tập trung kiểm tra, rà soát kỹ các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng ở từng cấp, bao gồm cả việc tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường lực lượng tại khu vực có nguy cơ xảy ra cháy và cháy lớn; xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để bố trí các nguồn lực phù hợp theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng và cháy lớn.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.