Multimedia Đọc Báo in

Cần tháo gỡ khó khăn trong công tác theo dõi thi hành pháp luật

06:58, 15/04/2018

Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật hiện nay được quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23-7-2012 của Chính phủ và Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15-5-2014 của Bộ Tư pháp.

Qua hơn 5 năm thực hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho thấy, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã mang lại những tác động tích cực đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước, góp phần nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP còn gặp không ít những khó khăn, vướng mắc, tồn tại và hạn chế do một số quy định chưa thống nhất, đồng bộ. 

Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP thì “Ủy ban nhân dân các cấp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương”; tuy nhiên, tại đoạn 2 khoản này chỉ quy định “Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương” mà không đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn, nên trong triển khai thực hiện UBND tỉnh khó triển khai công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương như: thuế, hải quan, thi hành án dân sự, an ninh trật tự,…

Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của cơ quan tiến hành kiểm tra theo quy định của pháp luật”; đồng thời, khoản 5 Điều 8 Thông tư số 14/2014/TT-BTP quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng được kiểm tra báo cáo bằng văn bản, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm tra; giải trình những vấn đề thuộc nội dung kiểm tra. Đoàn kiểm tra hoặc người có thẩm quyền, kiểm tra xem xét, xác minh, kết luận về những vấn đề thuộc nội dung kiểm tra”. Tuy nhiên, do chưa quy định chế tài xử lý, nên trong quá trình kiểm tra công tác thi hành pháp luật, nếu phát hiện có những sai sót, vi phạm cần khắc phục, xử lý, người có thẩm quyền chỉ có quyền kiến nghị đối tượng kiểm tra thực hiện các biện pháp khắc phục mà không có thẩm quyền xử lý vi phạm nếu kiến nghị không được thực hiện, nên hiệu quả của hoạt động kiểm tra công tác thi hành pháp luật chưa cao.

    Lực lượng chức năng TP. Buôn Ma Thuột ra quân dọn dẹp vỉa hè tháng 4-2017. Ảnh: V. Tiếp
Lực lượng chức năng TP. Buôn Ma Thuột ra quân dọn dẹp vỉa hè tháng 4-2017. Ảnh: V. Tiếp

Điều 14 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP quy định “Căn cứ kết quả thu thập thông tin, kết quả kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật”. Song, trên thực tế qua công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, địa phương đã kiến nghị các cơ quan ở Trung ương xử lý những bất cập, khó khăn, vướng mắc, nhưng cơ chế xử lý còn chưa kịp thời, thậm chí có trường hợp không phản hồi thông tin cho địa phương, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện.

Một khó khăn nữa là, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 14 Thông tư số 14/2014/TT-BTP thì đội ngũ cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật và cộng tác viên được thành lập theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan tư pháp, nhưng lại không quy định tiêu chuẩn của cộng tác viên, hồ sơ để đề nghị làm cộng tác viên. Thông tư cũng quy định “Cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật thực hiện theo chế độ hợp đồng có thời hạn hoặc theo từng vụ việc cụ thể” (khoản 3 Điều 14). Như vậy, chế độ hợp đồng ở đây phải tuân theo quy định nào của pháp luật (pháp luật lao động hay pháp luật kinh tế, dân sự,…)? Đồng thời, nguồn kinh phí, chế độ thù lao chi trả cho cộng tác viên cũng chưa được hướng dẫn cụ thể?

Cần quy định cụ thể cơ chế xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình theo dõi thi hành pháp luật; quy định cụ thể trách nhiệm, thời gian của cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền khi nhận được kiến nghị xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Hiện nay chưa có quy định, cơ chế hoặc cách thức để xác định lĩnh vực cần tổ chức theo dõi thi hành pháp luật nên trong thực tế ở địa phương khi chọn lĩnh vực theo dõi hằng năm thường căn cứ vào hướng dẫn lĩnh vực trọng tâm cần theo dõi của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, hướng dẫn của Bộ Tư pháp còn khá rộng, rất nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều lĩnh vực không sát với thực tế địa phương, kế hoạch của Bộ Tư pháp thường ban hành chậm dẫn đến tình trạng địa phương ban hành kế hoạch không chủ động, không sát tình hình thực tế.  Do đó, việc lựa chọn lĩnh vực ở địa phương nhiều lúc phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của cán bộ làm tham mưu trong công tác này và phụ thuộc vào kế hoạch của Bộ Tư pháp. Các tiêu chí để theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật, phương pháp thực hiện… quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP còn mang tính khái quát, chưa cụ thể khiến việc theo dõi thi hành pháp luật nhìn chung còn khó triển khai thực hiện.

Thiết nghĩ, để bảo đảm triển khai công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được thống nhất, hiệu quả, khắc phục được các khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP theo hướng quy định cụ thể các nội dung của hoạt động theo dõi thi hành pháp luật. Đó là: cần quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; quy định rõ hơn địa vị pháp lý của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật; các bước tiến hành hoạt động kiểm tra, điều tra, khảo sát, xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật; cơ chế cộng tác viên trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Đồng thời, cần nâng cao giá trị pháp lý của kết luận kiểm tra, chế tài xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật; quy định cơ chế phối hợp liên ngành, tạo cơ sở pháp lý cho các chủ thể theo dõi tình hình thi hành pháp luật thực hiện thống nhất, hiệu quả.

Nguyễn Tuấn Quang


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.