Chống "giặc lửa" ngay từ nhận thức
Chỉ trong 3 tháng gần đây, cả nước đã xảy ra hơn 1.000 vụ cháy, khiến 31 người thiệt mạng. Chưa bao giờ các vụ cháy lại xảy ra với tần suất liên tục và gây nhiều thiệt hại về người và của đến như vậy.
Giật mình bởi con số này, người ta càng cảm thấy lo lắng hơn khi phòng cháy chưa được xem là câu chuyện thường thức trong cuộc sống. Minh chứng là ở chỗ: Rất nhiều người có suy nghĩ sự cố cháy nổ dường như xảy ra ở đâu đó, chắc sẽ không đến với mình. Nhận thức như thế nên từ những hành động đơn giản để phòng chống cháy nổ như không hút thuốc nơi cây xăng; tắt khi không sử dụng các thiết bị điện hằng ngày; sắp xếp đồ vật ngăn nắp, gọn gàng, tạo thông thoáng cho lối đi và lối thoát hiểm… chưa được thực hiện thường xuyên. Từ việc thiết kế đến kiểm tra vận hành các công trình, thiết bị phòng cháy đều bị xem nhẹ; trang bị kiến thức kỹ năng phòng cháy, thoát hiểm khi gặp cháy cũng sơ sài và có phần hình thức. Ứng phó với “bà hỏa” vẫn được xem là nhiệm vụ của riêng lực lượng phòng cháy chữa cháy.
Lửa cháy thiêu rụi một kho hàng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: L.V |
Sau những vụ cháy nghiêm trọng vừa qua, người ta thấy thị trường trang thiết bị phòng cháy chữa cháy sôi động hơn một chút; vấn đề phòng cháy chữa cháy được quan tâm, bàn thảo sôi nổi hơn một chút. Nhưng có người thì lại tặc lưỡi: Được vài bữa nguôi ngoai, lắng dịu rồi lại đâu vào đấy; lại chỉ xảy ra ở đâu đó, chắc sẽ không đến với mình! Nếu vậy, ngẫm mà buồn! Hồi chuông gióng lên phải đánh đổi bằng bao nhiêu sinh mạng không lẽ chỉ có giá trị đến thế!? Nước xa không cứu được lửa gần, có một thực tế là khi xảy ra cháy nổ, sự nỗ lực của lực lượng chức năng trong rất nhiều trường hợp chỉ có thể xử trí ở mức phòng cháy lây lan. Còn quá nhiều câu hỏi đang bị bỏ ngỏ trong câu chuyện bảo đảm an toàn về phòng chống cháy nổ mà chỉ riêng ngành chức năng không thể giải quyết.
Để chỗ nào cũng có “nước”, để khi bị cháy, đám cháy được dập tắt một cách sớm nhất, hạn chế thiệt hại thấp nhất có thể và quan trọng hơn, làm sao để không xảy ra cháy thì chống “giặc lửa” phải ngay từ nhận thức, mà nhận thức cần từ nhiều phía. Ấy là nhận thức về sự chủ động phòng cháy của chính mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan, đơn vị từ hành vi, thói quen sinh hoạt; trang bị, sử dụng phương tiện và kỹ năng ứng phó; thiết kế công trình, vận hành thiết bị phòng cháy chữa cháy. Với lực lượng chức năng, đó là việc nghiêm khắc, công khai, tổ chức nhiều hơn, thường xuyên hơn, đa dạng đối tượng, địa bàn hơn hoạt động tập huấn, thanh tra, kiểm tra, công bố về công tác phòng cháy chữa cháy. Và giải pháp có ý nghĩa lâu dài để nâng cao nhận thức ấy là giáo dục, trang bị và thực hành kiến thức thông qua những bài học phòng cháy chữa cháy sinh động và thiết thực…
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc