Cắt giảm mạnh thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp
Những kết quả đạt được trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của ngành Tư pháp, cũng như một số hạn chế, bất cập và các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác này là những vấn đề được Giám đốc Sở Tư pháp NGUYỄN MINH THUẬN đề cập trong Chương trình “Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời” kỳ này.
* Xin ông cho biết khái quát việc thực hiện cải cách TTHC tại Sở Tư pháp? Hiện nay, Sở đang thực hiện giải quyết bao nhiêu TTHC, mức độ cung cấp dịch vụ công như thế nào?
- Sở Tư pháp đã và đang áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đơn giản hóa TTHC, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện TTHC tại đơn vị, như: tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2008 vào giải quyết TTHC; thường xuyên rà soát, đánh giá, đơn giản hóa TTHC. Cùng với đó, kịp thời cập nhật, niêm yết công khai, đầy đủ bộ TTHC, địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của công dân, tổ chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp… Sở luôn đặt công tác cải cách TTHC trong chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC), tức là phải tiến hành thực hiện đồng thời, đồng bộ từ cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Hiện nay, Sở Tư pháp đang thực hiện giải quyết 118 TTHC thuộc 7 lĩnh vực, gồm: Hành chính tư pháp; Bổ trợ tư pháp; Đấu giá; Khiếu nại, tố cáo; Công chứng; Lý lịch tư pháp; Trợ giúp pháp lý. Trong đó có 83 thủ tục TTHC được cung cấp ở mức độ 1 và 2; 35 thủ tục TTHC được cung cấp ở mức độ 3.
* Thưa ông, Sở Tư pháp đã triển khai những giải pháp gì để rút ngắn hơn nữa thời gian giải quyết TTHC?
- Để rút ngắn hơn nữa thời gian giải quyết TTHC trong thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp sau: Thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC trên tất cả lĩnh vực, nhằm kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh công bố, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc kiến nghị, đề xuất phương án đơn giản hóa các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và quản lý của Sở không còn phù hợp theo quy định, qua đó rút ngắn trình tự, thủ tục và cả thời gian giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, Sở tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, duy trì áp dụng tiêu chuẩn ISO vào giải quyết TTHC; phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận hợp tác về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành về trao đổi, cung cấp và cập nhật thông tin Lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh đã được các ngành ký kết. Triển khai có hiệu quả giải pháp “kiềng ba chân” trong cấp Phiếu lý lịch tư pháp; đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu nhằm góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ.
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - Sở Tư pháp. |
* Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã có những cơ chế pháp lý nào để ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc tiếp nhận, xử lý nhanh chóng, kịp thời những phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về cơ chế chính sách, TTHC, thưa ông?
- Với góc độ là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, tôi nhận thấy thời gian qua, UBND tỉnh đã tích cực triển khai Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 và có nhiều giải pháp ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc tiếp nhận, xử lý nhanh chóng, kịp thời những phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về cơ chế chính sách, TTHC nhằm triển khai hiệu quả công tác CCHC trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như: thành lập Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh, ban hành Quy chế làm việc và giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo, định kỳ 6 tháng và cuối năm, tổ chức họp Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh để đánh giá tình hình triển khai công tác CCHC trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành công tác CCHC. Căn cứ vào tình hình cụ thể, UBND tỉnh đều chọn Chủ đề triển khai công tác CCHC để các cơ quan, đơn vị thực hiện; chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Lắk thực hiện Chương trình “Dân hỏi - Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời”. Ngoài ra, còn yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi bằng văn bản khi giải quyết TTHC quá hạn và phải báo cáo cụ thể nguyên nhân giải quyết quá hạn đối với từng trường hợp.
Không những thế, UBND tỉnh còn thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC; chú trọng triển khai chính quyền điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP, ngày 14-10-2015 của Chính phủ; nâng cao trình độ, năng lực và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...
* Xin cảm ơn ông!
Lan Anh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc