Xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện "gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân"
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác, công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có công việc tại Tòa án đang được Tòa án hai cấp của tỉnh nỗ lực thực hiện, đem lại kết quả tích cực.
Sau đây là trao đổi giữa phóng viên Báo Đắk Lắk với Phó Chánh án TAND tỉnh NGUYỄN VĂN CHUNG xung quanh nội dung này.
*Xin ông cho biết TTHC tư pháp trong hoạt động của Tòa án là gì, bao gồm những hoạt động nào?
-TTHC tư pháp trong hoạt động của Tòa án là các quy trình, thủ tục mang tính chất hành chính hỗ trợ cho hoạt động xét xử tại Tòa án, giải quyết các yêu cầu của người dân trước và sau các phiên tòa xét xử, các hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Tòa án các cấp. Hoạt động này bao gồm: tiếp công dân; tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện, hồ sơ kháng cáo, kháng nghị, hồ sơ do Viện Kiểm sát chuyển đến, đơn khiếu nại, công văn; phân công giải quyết vụ án; cấp sao lục bản án, quyết định của Tòa án; quản lý số lượng án đầu vào, đầu ra, án tồn; bố trí hội trường xét xử và thủ tục quản lý, trao đổi thông tin phục vụ cho sự chỉ đạo, quản lý các lĩnh vực công tác của lãnh đạo Tòa án các cấp… Các thủ tục này thực hiện theo quy trình khép kín, người dân, cơ quan, tổ chức đến liên hệ công tác qua Bộ phận Hành chính - Tư pháp được hướng dẫn mọi thủ tục liên quan đến hoạt động của Tòa án.
* Được biết năm 2015, TAND tỉnh thực hiện thí điểm mô hình cải cách tư pháp “Một cửa”, theo ông, khi thực hiện mô hình này đã mang lại những lợi ích, hiệu quả gì ?
- Đầu tháng 7-2015, Tòa án tỉnh thành lập Tổ Hành chính -Tư pháp hoạt động theo cơ chế “Một cửa” làm đầu mối tập trung hướng dẫn các TTHC tư pháp, Từ khi thành lập Bộ phận này, hoạt động của Tòa án bước đầu có những thay đổi tích cực, hiệu quả rõ rệt, khắc phục được những bất cập của các quy trình, thủ tục trước đây.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Chung trao đổi với phóng viên Báo Đắk Lắk. Ảnh: H Gia |
Thứ nhất, đảm bảo thuận lợi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khi có nhu cầu đến Tòa án làm việc hoặc liên hệ công tác chỉ cần liên hệ với bộ phận một cửa. Công khai, minh bạch hóa tất cả thủ tục, quy trình trong hoạt động của Tòa án nhằm giảm phiền hà cho người dân, ngăn chặn tệ nạn nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật trong hoạt động hành chính tư pháp của Tòa án, góp phần phổ biến, tuyên truyền pháp luật đến người dân, từng bước thay đổi tích cực nhận thức của họ trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia tố tụng tại Tòa án. Thứ hai, hoạt động tiếp dân, tiếp nhận và thụ lý đơn tại Tòa án được tập trung vào một đầu mối chuyên trách nên hạn chế tình trạng thụ lý án khi chưa đủ điều kiện, thụ lý tràn lan. Thứ ba, là việc tham mưu thực hiện quy trình phân án theo hình thức ngẫu nhiên, quay vòng dựa trên số thụ lý vụ án và số thứ tự mặc định của các thẩm phán được xếp theo vần (a,b,c…). Bộ phận Hành chính - Tư pháp sau khi thụ lý có trách nhiệm tổng hợp, tham mưu trình Chánh án phân công thẩm phán, thư ký tham gia giải quyết vụ án đảm bảo tính khách quan, khoa học. Với sự đổi mới này, các thẩm phán chủ động được kế hoạch công tác, có điều kiện bổ trợ, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, tạo điều kiện cho thẩm phán ra các bản án, quyết định hợp pháp, hợp lý, rõ ràng, công bằng và thuyết phục. Còn đối với thư ký được phân công giúp việc cho nhiều thẩm phán, nhiều loại vụ, việc khác nhau sẽ được học hỏi, trau dồi kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tiễn ở tất cả các lĩnh vực, từ đó hình thành phong cách làm việc thân thiện, gần gũi, cầu thị, tăng thêm sự tin tưởng của người dân đối với hệ thống Tòa án…
Trên cơ sở đánh giá, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, tháng 10-2017 Tòa án tỉnh đã chỉ đạo triển khai áp dụng mô hình Tổ Hành chính - Tư pháp đến các đơn vị TAND cấp huyện dựa trên cơ sở đặc thù về số lượng các loại vụ việc phải thụ lý, giải quyết. Đến nay, về cơ bản các đơn vị đều đã xây dựng và triển khai hiệu quả quy trình làm việc của Tổ Hành chính - Tư pháp.
*Mỗi năm Tòa án hai cấp của tỉnh thụ lý, giải quyết số lượng án lớn, có tính chất phức tạp. Vậy ngành Tòa án đã xác định nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể gì để giải quyết tốt các vụ, việc qua đó xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn với việc đẩy mạnh thực hiện cải cách TTHC tư pháp?
- Năm 2017, TAND hai cấp của tỉnh đã giải quyết 10.188 vụ, việc trong tổng số 10.952 vụ, việc đã thụ lý (đạt tỷ lệ 93%). Ngoài ra còn phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tổ chức 109 phiên tòa rút kinh nghiệm, xét xử lưu động 195 vụ hình sự. Đặc biệt, từ ngày 1-7-2017 đến nay, Tòa án hai cấp đã công bố 1.438 bản án, quyết định của Tòa án trên Trang công bố bản án, quyết định của Tòa án tạo điều kiện cho nhân dân tham gia giám sát hoạt động xét xử, có ý kiến phản hồi tích cực cũng như ý kiến xây dựng các bản án, quyết định của Tòa án.
Để xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn với việc đẩy mạnh thực hiện cải cách TTHC tư pháp, TAND tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; xác định việc đổi mới TTHC tư pháp là yêu cầu bắt buộc, thường xuyên của đơn vị. Bên cạnh làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy TAND hai cấp, sắp xếp, bố trí cán bộ theo Đề án vị trí việc làm, đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực hoạt động, đồng thời tiếp tục triển khai mô hình “Hành chính tư pháp một cửa” trong hệ thống của Tòa án hai cấp, đảm bảo công khai các hoạt động của Tòa án. Xây dựng TAND các cấp trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tòa án thực sự “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, “hiểu dân, gần dân, giúp dân và học dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy…
*Xin cảm ơn ông!
Nguyên Hoa (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc