Hiểm họa từ súng tự chế
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ việc người dân sử dụng súng tự chế để giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống.
Các loại súng thô sơ nhưng có tính sát thương cao đã khiến nhiều người bị thương, thậm chí mất mạng. Nhằm ngăn ngừa và hạn chế tình trạng này, Công an tỉnh đã đẩy mạnh công tác quản lý giám sát các hoạt động chế tạo, sản xuất súng trái phép; tuyên truyền người dân giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ để tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.
Trong số hàng chục vụ dùng súng tự chế gây thương vong được Công an tỉnh phát hiện, xử lý trong thời gian qua, nổi cộm là vụ 7 thanh niên ở xã Ea Tam (huyện Krông Năng) bắn bị thương nặng 4 thanh niên khác. Tại cơ quan Công an, đối tượng cầm đầu vụ việc là Hoàng Văn Vinh (22 tuổi, dân tộc Tày, ở xã Ea Tam, huyện Krông Năng) tường trình: do mâu thuẫn trên mạng xã hội Facebook nên Vinh đã nhắn tin cho nhóm của Lê Anh Việt (20 tuổi, trú xã Ea Tân, huyện Krông Năng) đến khu vực giáp ranh giữa hai xã Ea Tân và Ea Tam để nói chuyện. Tại đây, Vinh và Triệu Văn Thống (20 tuổi, trú cùng xã) đã dùng súng tự chế bắn nhóm anh Việt khiến anh này cùng 3 người khác bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu.
Trong nhiều vụ tranh chấp đất đai, các đối tượng cũng dùng súng tự chế để giải quyết xung đột và gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. Điển hình như vụ dùng dao, súng tự chế hỗn chiến ở huyện Ea Súp trong một vụ tranh chấp đất đai khiến 1 người chết, 7 người bị thương hồi cuối năm 2017.
Cơ quan Công an làm việc với nhóm đối tượng dùng súng bắn người ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng. |
Theo Đại úy Mai Văn Hòa, Trưởng Công an xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột), hiện nay hoạt động mua bán, sử dụng các loại súng tự chế, vật liệu nổ và mua bán các máy móc chế tạo loại vũ khí này diễn biến hết sức phức tạp. Chỉ cần lên mạng Internet gõ tìm kiếm sẽ có rất nhiều địa chỉ, số điện thoại quảng cáo giao bán các loại súng tự chế như: súng bắn bi, súng bắn đạn hoa cải, súng cồn hơi... với giá chỉ khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/khẩu. Việc mua bán, chế tạo diễn ra dễ dàng cùng với thói quen tàng trữ sử dụng súng tự chế nhằm mục đích săn bắn của một bộ phận lớn đồng bào dân tộc thiểu số tại các khu vực vùng sâu vùng xa của tỉnh cũng khiến công tác quản lý, giám sát gặp không ít khó khăn. Đại úy Mai Văn Hòa chia sẻ: "Phần lớn thanh thiếu niên lén lút học cách làm trên mạng rồi mua vật liệu về chế tạo ở khu vực rẫy xa để trốn tránh lực lượng chức năng. Điều chúng tôi lo lắng nhất là khi có mâu thuẫn, các đối tượng không kiềm chế được thì họ mang súng ra giải quyết, gây sát thương cho người dân vô tội. Do vậy, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền bà con chấp hành đúng quy định pháp luật về việc tàng trữ vũ khí vật liệu nổ, lập các kế hoạch truy quét, tịch thu các loại vũ khí vật liệu nổ ở trong dân”.
Đại tá Phạm Minh Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh, thời gian tới, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các phòng ban chuyên môn nâng cao công tác quản lý giám sát hoạt động mua bán, sử dụng, chế tạo vũ khí, vật liệu nổ trên địa bàn. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về mối nguy hiểm của các loại vũ khí này. "Hiện nay, pháp luật đã quy định nếu cá nhân, tổ chức nào tàng trữ sản xuất súng, vật liệu nổ là vi phạm pháp luật. Chúng tôi khuyến cáo, cảnh báo người dân không sử dụng, tàng trữ, mua bán, vận chuyển các loại súng săn, súng tự chế; nâng cao cảnh giác, tố giác các loại tội phạm, các đối tượng cộm cán có hành vi tàng trữ, sử dụng các loại súng tự chế và vật liệu nổ để xử lý theo quy định của pháp luật” - Đại tá Thắng cho biết thêm.
Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra 20 vụ án có liên quan đến súng tự chế, làm chết 4 người, bị thương 24 người. Trong đó, cơ quan chức năng đã khởi tố 16 vụ án, tuyên phạt 16 bị can với hàng chục năm tù vì có liên quan đến việc tàng trữ, sử dụng vũ khí và vật liệu nổ trái phép gây thương vong. |
Võ Trường
Ý kiến bạn đọc