Chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự ở Hòa Sơn
Từ một địa bàn phức tạp về an ninh trật tự (ANTT), sau 2 năm thực hiện mô hình điểm “Khu dân cư an toàn, bình yên, không tội phạm và tệ nạn xã hội” ở thôn 7 và thôn 10, xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) không những giữ vững ANTT, mà ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao.
Hơn 2 năm nay, người dân ở thôn 7 (xã Hòa Sơn) đã quen với tiếng kẻng an ninh vào lúc 22 giờ của ông Nguyễn Đức Hải, Tổ trưởng tổ tự quản để triệu tập đội cơ động của thôn chuẩn bị cho buổi tuần tra đêm. Khi tiếng kẻng vang lên, 5 phút sau, 4 thành viên đội cơ động là những thanh niên từ 25 - 35 tuổi nhanh chóng có mặt, với quân tư trang chuẩn bị sẵn sàng. Ông Hải chỉ đạo khu vực tuần tra cho tổ, trong đêm tối họ nhanh chóng di chuyển về các hướng trong thôn để thực hiện nhiệm vụ. Cứ như vậy, hằng tuần sẽ có 3 đêm bất kỳ đội cơ động của thôn (có 4 người) luân phiên trực tuần tra từ 22 giờ đến 3 giờ sáng. Cao điểm như mùa thu hoạch cà phê, mùa bóng đá, tổ tự quản thôn tổ chức thêm những buổi tuần tra vào ban ngày để bảo đảm ANTT.
Trước đây, tình hình ANTT của thôn 7 khá phức tạp, ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn thấp, thường xuyên gây gổ đánh nhau, tội phạm hoạt động có chiều hướng gia tăng về tính chất và mức độ. Trước tình hình đó, Công an xã Hòa Sơn đã chọn thôn 7 làm mô hình điểm “Khu dân cư an toàn, bình yên, không tội phạm và tệ nạn xã hội”. Ban Chỉ đạo mô hình điểm đã thành lập 9 tổ, gồm 18 người, những người có uy tín được chọn làm tổ trưởng, tổ phó để thường xuyên tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thôn 7 có 192 hộ, 890 nhân khẩu, sống chủ yếu vào nghề nông, vào mùa thu hoạch, một số đối tượng trộm cắp nông sản của người dân cũng được các tổ kịp thời phát giác. Chỉ trong thời gian đầu thực hiện, các tổ tự quản đã bắt, bàn giao cho công an xã 3 vụ, 8 đối tượng (1 vụ đánh bạc, 1 vụ trộm cắp, 1 vụ gây rối có thương tích) giải quyết theo đúng thẩm quyền.
Tổ tự quản thôn 7 (xã Hòa Sơn) đến nhà người dân thăm hỏi, tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác tội phạm. |
Ông Nguyễn Tấn Phúc, Thôn Trưởng thôn 10, xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông)
|
Tương tự, mô hình “Khu dân cư an toàn, bình yên không tội phạm xã hội” ở thôn 10 cũng có 8 tổ tự quản, 16 thành viên. Năm 2017, được sự giúp đỡ của Công an tỉnh và Công an xã Hòa Sơn, thôn 10 ra mắt mô hình “Tổ tự quản, tự phòng” nhờ đó tình hình an ninh trật tự của thôn được thắt chặt. Các tổ tự quản đã phát hiện và hỗ trợ công an xã xử lý 2 vụ gây rối nghiêm trọng; hạn chế và dần chấm dứt tình trạng một số thanh niên hư hỏng bên ngoài vào thôn lôi kéo thanh niên trong thôn trộm cắp, đánh nhau..., giúp người dân an tâm phát triển kinh tế.
Sau 2 năm triển khai mô hình điểm về ANTT, tệ nạn xã hội trên địa bàn thôn 7 và 10 được đẩy lùi, bà con nhân dân yên tâm lao động sản xuất phát triển kinh tế, đời sống dần được nâng lên. Song bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện các tổ tự quản như: kinh phí hoạt động chủ yếu dựa vào sự đóng góp của người dân (20.000 đồng/hộ/năm), thành viên tổ tự quản chỉ được “trả lương” một suất mì tôm trước khi lên đường tuần tra. Anh Phạm Đình Luật, công an viên thôn 7 chia sẻ: “Thành viên các tổ tự quản đa số là lao động chính của gia đình, làm việc với tinh thần tự giác và nghiêm túc. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của anh, em là được các cấp, ngành quan tâm thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội để phòng trường hợp bất trắc xảy ra trong quá trình làm nhiệm vụ”.
Tổ tự quản thôn 7 (xã Hòa Sơn huyện Krông Bông) trên đường tuần tra. |
Ông Trần Minh Hùng, Trưởng Công an xã Hòa Sơn khẳng định, thành viên các tổ tự quản là lực lượng nòng cốt hỗ trợ, sát cánh cùng với lực lượng công an xã đấu tranh, phòng ngừa, trấn áp tội phạm, qua việc làm của họ đã góp phần nâng cao ý thức tự giác giữ gìn ANTT cho người dân các thôn khác. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình vẫn gặp không ít khó khăn do nguồn kinh phí duy trì hoạt động còn hạn hẹp, lực lượng tuần tra an ninh tại các thôn chưa được tập huấn, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ bài bản… Do đó, để mô hình “Khu dân cư an toàn, bình yên, không tội phạm và tệ nạn xã hội” đi vào hoạt động có chiều sâu, phát huy hiệu quả và nhân rộng ra các địa bàn khác rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành.
Hoàng Ân
Ý kiến bạn đọc