Vườn Quốc gia Yok Đôn: Đa dạng hình thức tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng
Trong những năm qua, nhằm giảm thiểu những tác động của người dân vùng đệm xâm phạm đến rừng, Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn luôn chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Từ buôn làng…
Ông Phạm Tuấn Linh, Phó Giám đốc phụ trách VQG Yok Đôn cho biết, Vườn có diện tích rộng 115.545 ha với đặc thù địa hình bằng phẳng, giáp ranh với 90 thôn, buôn của 7 xã (khoảng 50 nghìn nhân khẩu), đời sống của người dân ở những khu vực này còn nhiều khó khăn, sống phụ thuộc nhiều vào rừng. Chính vì thế, để giảm thiểu những tác động đến rừng, ngoài tăng cường lực lượng tuần tra, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục từ thôn, buôn cho đến trường học, từ người già đến trẻ nhỏ bằng nhiều hình thức.
Học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu (huyện Buôn Đôn) tham gia Hội thi tìm hiểu kiến thức về tài nguyên rừng, bảo vệ đa dạng sinh học do VQG Yok Đôn tổ chức. |
Trong đó, để từng bước chuyên nghiệp trong việc tổ chức, xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền, Vườn đã phân công cho Hạt Kiểm lâm phụ trách tuyên truyền cho các thôn, buôn, còn Trung tâm giáo dục Môi trường và Dịch vụ VQG Yok Đôn tuyên truyền cho học sinh. Theo ông Nguyễn Hữu Tạo, Hạt phó Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn, mỗi năm Vườn đều chọn ra khoảng 19 thôn, buôn ở vùng đệm của Vườn để tổ chức tuyên truyền với các nội dung như vai trò của rừng, tác hại của việc mất rừng; các quy định của pháp luật trong công tác quản lý bảo vệ rừng; các chính sách của Nhà nước liên quan đến rừng… Bên trong những căn nhà sàn truyền thống, người dân sẽ được xem những bộ phim, phóng sự ngắn về rừng, những hình ảnh liên quan đến rừng, lồng ghép vào đó là những thông tin mà các kiểm lâm viên sẽ cung cấp, lý giải những thông tin cần thiết cho người dân. Có khi là những vụ việc vi phạm pháp luật về rừng diễn ra ngay chính trong cộng đồng dân cư đó, hình thức xử lý ra sao… để người dân thấy những vi phạm như vậy sẽ bị xử lý (nhẹ thì xử phạt hành chính, nặng có thể ở tù) mà tránh vi phạm.
VQG Yok Đôn còn phối hợp với Ban Dân vận huyện Buôn Đôn, một số đơn vị đứng chân trên địa bàn, UBND các xã vùng đệm để lồng ghép hoạt động tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng trong các đợt phát động quần chúng, họp dân… Từ đầu năm đến nay, vườn đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức này phối hợp thực hiện được 10 đợt tuyên truyền cho gần 500 hộ dân. |
Không chỉ giới hạn trong những buổi tuyên truyền tập trung, Vườn còn quán triệt anh em kiểm lâm thường xuyên gần gũi người dân, nắm bắt thông tin của người dân để có điều chỉnh cho trong công tác quản lý, bảo vệ rừng cho phù hợp… Đặc biệt là ở khu vực xảy ra nhiều vụ vi phạm lâm luật phải tổ chức gặp gỡ người dân, vừa nắm bắt tâm tư nguyện vọng, kết hợp tuyên truyền, giải thích cho người dân để giảm thiểu các hành vi xâm hại đến rừng. Cụ thể, đầu năm 2018, khu vực rừng ở buôn Đrang Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) xảy ra nhiều vụ phá rừng để lấy đất làm nương rẫy, trong đó có 4 vụ phá rừng bị khởi tố hình sự. Trước tình hình phức tạp đó, Vườn phối hợp chính quyền địa phương tổ chức họp dân để tuyên truyền bà con. Nói cho bà con biết việc phá rừng trái pháp luật không chỉ bị phạt bằng tiền, mà còn bị phạt tù. Từ đó, việc lấn chiếm đất rừng ở khu vực này giảm hẳn.
…đến trường học
Đối với việc tuyên truyền cho học sinh vùng đệm, ông Trần Đức Phương, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục Môi trường và Dịch vụ VQG Yok Đôn cho biết, thay vì cứ tập trung học sinh đến sân trường rồi đọc cho các em nghe những chính sách, quy định về quản lý bảo vệ rừng khô khan, khó nhớ và sẽ không hiệu quả, Vườn đã xây dựng, tổ chức hội thi tìm hiểu về rừng để học sinh chủ động tìm hiểu, mày mò sáng tạo.
Một buổi tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng cho người dân của Kiểm lâm VQG Yok Đôn. |
Theo đó, hằng năm Vườn sẽ chọn khoảng 5-6 trường trung học cơ sở ở các xã vùng đệm để tuyên truyền. Vườn làm việc với lãnh đạo nhà trường về nội dung tuyên truyền, chuẩn bị các tài liệu liên quan để thầy cô và học trò trong trường tìm hiểu. Đồng thời cùng với nhà trường xây dựng các bộ câu hỏi để thông qua đó có thể cung cấp những thông tin bổ ích cho học sinh về vai trò của rừng, tác hại của việc mất rừng... Nhà trường sẽ chọn ra một số học sinh và thành lập ra 4 đội thi. Các đội sau đó sẽ tìm hiểu những kiến thức về rừng, xây dựng, tập những tiểu phẩm để tranh tài trong hội thi. Hội thi sân chơi hết sức bổ ích cho các em, ngoài cung cấp những thông tin quý báu về rừng, về môi trường, còn giúp các em tự tin trước đám đông, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm… mà ở trường các em ít có cơ hội thể hiện. Qua đó, các em sẽ ý thức được trách nhiệm của bản thân đối việc bảo vệ rừng. “Với những kiến thức cơ bản được cung cấp trong các hội thi, hy vọng rằng mỗi em học sinh sẽ trở thành một “tuyên truyền viên nhí” về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng trong trường học, gia đình và xã hội... góp phần vào công tác quản lý bảo vệ rừng của VQG Yok Đôn nói riêng và bảo vệ môi trường sinh thái nói chung”, ông Trần Đức Phương, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục Môi trường và Dịch vụ VQG Yok Đôn lý giải.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc