Xử lý vi phạm giao thông bằng hình ảnh còn gặp khó
07:16, 14/08/2018
Hiện nay, việc xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đường bộ bằng hình ảnh do camera giám sát ghi lại (hay còn gọi là phạt nguội) của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) còn gặp nhiều khó khăn...
Hình thức xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ lâu và mang lại hiệu quả rất thiết thực, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Tại Việt Nam, ở các thành phố lớn và một số địa phương cũng đã áp dụng hình thức này từ nhiều năm nay.
Một trường hợp chủ phương tiện giao thông bị lực lượng CSGT phạt nguội. |
Ở Đắk Lắk, việc xử phạt nguội được Phòng CSGT (Công an tỉnh) triển khai từ năm 2015 đến nay. Theo đó, hệ thống camera giám sát gồm 15 cụm được lắp đặt tại một số nút giao trọng điểm là cửa ngõ ra vào khu vực nội thành Buôn Ma Thuột như: đường Nguyễn Tất Thành, Lê Duẩn, Hà Huy Tập. Các camera này hoạt động 24/24 giờ giúp cho người tham gia giao thông hiểu lúc nào cũng có hệ thống giám sát để nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Nhiều tài xế chia sẻ, lưu thông trên đường phố giờ có rất nhiều camera giám sát nên vi phạm là có nguy cơ bị xử lý ngay. Không dại gì đi nhanh một chút để nhận ngay biên lai xử phạt và còn liên quan đến cả địa phương, hàng xóm, đồng nghiệp cơ quan đều biết thì rất phiền phức. Đấy là một tín hiệu đáng mừng.
Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ bằng hệ thống camera được quy định cụ thể tại Khoản 1, Điều 64, Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Theo đó, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông. Theo trình tự, khi phát hiện lỗi vi phạm, Phòng CSGT sẽ gửi hình ảnh phương tiện vi phạm cho Đội đăng ký, quản lý phương tiện giao thông đường bộ (Phòng CSGT) xác minh địa chỉ chủ phương tiện và sau đó gửi giấy báo cho người vi phạm để xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
Cán bộ Phòng CSGT - Công an tỉnh theo dõi phương tiện vi phạm qua máy tính kết nối với hệ thống camera. |
Ở các quốc gia phát triển trên thế giới, hình thức xử lý vi phạm bằng hình ảnh thường đạt đến 90% so với tổng số vi phạm. Qua đó công tác quản lý nhà nước được nâng cao, ý thức người tham gia giao thông ngày một tốt lên, đồng thời tránh được tình trạng “xin xỏ” hay tiêu cực của lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, tại Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng quy trình xử lý này đang gặp rất nhiều khó khăn. Hằng tháng, Phòng CSGT xử lý gần 1.000 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ qua hình ảnh trích xuất từ camera giám sát nhưng số trường hợp đến giải quyết chỉ chiếm khoảng 10%.
Thượng úy Ngô Hoài Nam (cán bộ xử lý hình ảnh camera thuộc Đội tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm hành chính - Phòng CSGT) chia sẻ: “Hiện nay, việc xử lý vi phạm giao thông bằng hình ảnh gặp nhiều khó khăn do địa chỉ chủ phương tiện không rõ ràng khiến người gửi giấy hẹn đến làm việc (cụ thể là nhân viên bưu điện) khó khăn trong khi đưa thư báo, dẫn tới tình trạng chủ phương tiện không nhận được giấy báo.
|
Hơn nữa, có rất nhiều trường hợp khi mua, bán phương tiện giao thông nhưng không sang tên đổi chủ; nhiều trường hợp người vi phạm là lái xe thuê hay phương tiện vi phạm là xe cho người khác mượn, xe thuê tự lái; hoặc cá biệt có trường hợp người vi phạm cố tình không chấp hành đến trụ sở Phòng CSGT theo giấy hẹn, nhưng cơ quan chức năng chưa có chế tài xử lý”.
Trong số các giải pháp trọng tâm được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đặt ra nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trong những tháng cuối năm 2018, có ưu tiên giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát giao thông trên các tuyến đường, xử phạt vi phạm giao thông theo hình thức phạt nguội. Khi công nghệ hiện đại được ứng dụng rộng rãi trong bảo đảm an toàn giao thông, chắc chắn ý thức của người tham gia giao thông sẽ được nâng cao, người dân sẽ tự giác chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, để việc xử lý vi phạm giao thông bằng hình ảnh đạt hiệu quả, các cơ quan pháp luật sớm điều chỉnh, hoàn thiện các quy định về pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng CSGT thực hiện tốt nhiệm vụ.
Trung tá Huỳnh Thanh Bình, Phó Trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết, đơn vị chỉ xử phạt đối với những trường hợp vi phạm rõ ràng, khi có hình ảnh chính xác. Nhờ đó, thời gian gần đây, ý thức của người tham gia giao thông đã chuyển biến rõ rệt. Trong khi chờ đợi chế tài về xử lý người không chấp hành quy định về xử phạt hành chính về lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ bằng hệ thống camera, Phòng CSGT đã thực hiện giải pháp: với những trường hợp vi phạm được gửi thông báo từ 3-4 lần, nếu vẫn chưa đến xử lý theo thời gian quy định sẽ gửi danh sách biển kiểm soát phương tiện cho các tổ tuần tra, kiểm soát giao thông trên các tuyến đường để dừng xe kiểm tra, yêu cầu chủ phương tiện chấp hành nộp phạt theo quy định...
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc