Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Tội phạm ma túy diễn biến phức tạp

08:12, 11/09/2018

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Cư M’gar hoạt động mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến phức tạp, nhiều vụ mua bán, tàng trữ với số lượng lớn liên tiếp bị Công an huyện phát hiện, triệt phá.

Cư M’gar là huyện tiếp giáp với nhiều địa phương trong tỉnh và có nhiều thành phần dân tộc cư trú, trình độ dân trí chưa cao; tình trạng mua bán, sử dụng ma túy ở đây đang có dấu hiệu tăng lên. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn huyện Cư M’gar hiện có 78 người nghiện có hồ sơ quản lý. Trong đó, có 18 người đang điều trị methadol; 43 người đã được áp dụng biện pháp xử lý hành chính, giáo dục tại địa phương; 11 người đã được đưa vào cơ sở điều trị cai nghiện; 6 người hiện đang trong diện theo dõi, quản lý.

Với nguồn “cầu” như thế thì ắt sẽ phát sinh nguồn “cung” gây thách thức cho cơ quan chức năng. Theo thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng Công an huyện, hoạt động của các đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy trên địa bàn rất tinh vi, chúng thường xuyên thay đổi về phương thức, thủ đoạn và không theo một quy luật nhất định nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Nguồn ma túy được cung cấp chủ yếu từ TP. Buôn Ma Thuột.

Mới đây nhất, sau một thời gian trinh sát, mật phục, Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an huyện Cư M’gar) đã phát hiện đối tượng Phạm Ngọc Thắng (sinh năm 1979, trú tại thôn Tiến Phát, xã Quảng Tiến) tàng trữ 9,4208 gam Methamphetamine. Đây là vụ tàng trữ trái phép chất ma túy lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn huyện. Qua đấu tranh, ban đầu đối tượng Thắng khai nhận, toàn bộ số ma túy trên được mua ở TP. Buôn Ma Thuột về để sử dụng cho bản thân.

Công an huyện Cư M’gar làm việc với một đối tượng tàng trữ ma túy trên địa bàn.
Công an huyện Cư M’gar làm việc với một đối tượng tàng trữ ma túy trên địa bàn.

Ngoài ra, tại các địa bàn xa trung tâm huyện, tình trạng mua bán trái phép chất ma túy cũng diễn ra hết sức phức tạp, chủ yếu là mua bán nhỏ lẻ chất ma túy phục vụ cho các con nghiện tại địa bàn. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án mua bán trái phép chất ma túy tại thôn Thác đá, xã Ea Kuêh. Theo đó, Công an huyện phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) phát hiện bắt quả tang Nguyễn Thị Chuyên (thôn Thác đá, xã Ea Kuêh) có hành vi mua bán trái phép 3,4434 gam ma túy với giá 3 triệu đồng. Qua khám xét nơi ở của đối tượng Chuyên, Công an tiếp tục thu giữ 0,9457 gam ma túy. Tại cơ quan điều tra, đối tượng Chuyên khai nhận, số ma túy này do Chuyên mua lại của một người đàn ông lạ mặt (không xác định được nhân thân, lai lịch) và bán lại kiếm lời.

Theo Công an huyện Cư M’gar, so với năm 2017 thì thời gian gần đây, tội phạm về ma túy trên địa bàn tăng về số vụ việc lẫn đối tượng phạm tội, tập trung tại địa bàn các xã: Ea Kuêh, Quảng Tiến, Ea Mnang, đối tượng sử dụng chủ yếu là thanh - thiếu niên.

Để đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy, giữ bình yên cho nhân dân, Công an huyện đã và đang chú trọng công tác bám sát địa bàn, nắm tình hình cơ sở, nhất là các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, địa bàn vùng xa của huyện. Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm trấn áp tội phạm và tệ nạn ma túy; chú trọng công tác rà soát và quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy trên địa bàn; tăng cường tuần tra, phát hiện các tụ điểm mua bán, sử dụng ma túy. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tác hại của ma túy trong thanh, thiếu niên và người dân, vận động nhân dân chủ động tố giác tội phạm, ký cam kết không trồng cây thuốc phiện...

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Công an huyện đã phát hiện 5 vụ và 5 đối tượng phạm tội về ma túy, tăng 2 vụ so với năm 2017. Cơ quan này đã thu giữ tang vật gồm 7,435 gam heroin; 9,9622 gam Methamphetamine; 1,5502 gam thuốc phiện.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.