Multimedia Đọc Báo in

Khi người dân cùng chung tay bảo vệ rừng

08:25, 21/09/2018

Trong những năm qua, Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin đã tổ chức khoán quản lý, bảo vệ rừng cho hàng nghìn hộ dân vùng đệm. Cái “bắt tay” đã góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân vùng đệm, đồng thời tăng cường lực lượng hỗ trợ Vườn nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Từ năm 2013, khi VQG Chư Yang Sin thực hiện việc khoán quản lý, bảo vệ rừng, ông Y Cân Êban, ở buôn Lắk (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) đã mạnh dạn nhận khoán quản lý, bảo vệ  22 ha rừng củaVườn. Cũng từ đó, ông thường xuyên cùng với lực lượng kiểm lâm Vườn đi tuần tra rừng để ngăn chặn người dân xâm nhập vào rừng trái phép, các hành vi phá rừng khai thác lâm sản, săn bắn thú rừng. Không chỉ vậy, ông còn thường xuyên nghe ngóng tình hình ở khu vực gần rừng, khi phát hiện có những dấu hiệu của việc xâm nhập vào rừng trái phép sẽ thông báo cho kiểm lâm Vườn cắt cử lực lượng kiểm tra, xử lý. Sau ngần ấy năm giữ rừng, cuộc sống của gia đình ông Y Cân đã từng bước được cải thiện nhờ có thêm nguồn thu nhập từ việc giữ rừng; cái ăn, cái mặc đã không còn phụ thuộc nhiều vào cây ngô, cây sắn, cây lúa.Với 22 ha rừng nhận khoán, mỗi năm gia đình ông có nguồn thu ổn định hơn 6 triệu đồng (khoảng 300 nghìn đồng/ha/năm).

VQG Chư Yang Sin chi trả tiền nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng cho người dân.
VQG Chư Yang Sin chi trả tiền nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng cho người dân.

Tương tự, gia đình ông Y Lia Hlong ở buôn Kiều (xã Yang Mao, Krông Bông) cũng nhận quản lý, bảo vệ 22 ha rừng với VQG Chư Yang Sin. Nhờ nguồn thu nhập từ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, trong những năm qua, gia đình ông Y Lia có tiền mua phân bón để chăm sóc cây trồng, không còn cảnh phải đi vay tiền trả lãi để đầu tư như trước đây. Những chuyến đi rừng cùng kiểm lâm Vườn đã giúp ông Y Lia hiểu hơn vai trò của rừng với cuộc sống con người, gần gũi nhất là những dòng suối ngày ngày cung cấp nguồn nước sinh hoạt mát lành cho bà con trong buôn chính là nhờ những cánh rừng xanh chắt chiu, gìn giữ. “Mình luôn nhắc con cháu không được nghe lời kẻ xấu vào rừng chặt cây, săn thú. Thấy kẻ xấu chặt cây, săn thú thì phải báo cho kiểm lâm để ngăn chặn”, ông Y Lia nói.

Theo ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc VQG Chư Yang Sin, từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đi vào cuộc sống, hằng năm đơn vị tiến hành giao khoán hơn 40.000 ha rừng cho khoảng 1.400 hộ dân của các huyện Krông Bông, Lắk và huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) để đồng quản lý, bảo vệ, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, cùng với đó đơn vị cũng được bổ sung hàng nghìn người để phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm lâm luật. Từ đây, mối quan hệ giữa người dân vùng giáp ranh với Vườn trở nên khăng khít hơn. Người dân trở thành “tai mắt” cho kiểm lâm, khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm họ đều báo cho đơn vị để kịp thời kiểm tra, xử lý.

Kiểm lâm VQG Chư Yang Sin tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng cho người dân vùng đệm.
Kiểm lâm VQG Chư Yang Sin tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng cho người dân vùng đệm.

Người dân nhận khoán cũng trở thành một “kênh” giúp Vườn trong việc tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng. “Vườn có diện tích lớn, giáp ranh với nhiều cộng đồng dân cư, đời sống người dân ở những khu vực này còn nhiều khó khăn, sống phụ thuộc nhiều vào rừng nên gây ra nhiều áp lực cho đơn vị trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Việc giao khoán rừng đã gắn được trách nhiệm và quyền lợi của người dân với công tác quản lý bảo vệ rừng. Sự chung tay, góp sức của người dân đã giảm thiểu tác động các hành vi gây hại đến rừng”, ông Nghĩa  khẳng định.

VQG Chư Yang Sin rộng 59.491,2 ha, là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm, trong đó có hai loài chim đang bị đe dọa toàn cầu ở mức nguy cấp là Khướu đầu đen má xám (Garrulax yersini) và Mi Núi Bà (Crocias); nhiều quần thể của hai loài linh trưởng có ý nghĩa bảo tồn trên toàn cầu là Chà vá chân đen (Pygathrixnigripes) và Vượn má hung (Nomascus gabriellae); nhiều loài thông quý hiếm và đặc hữu như: pơ mu Fokienia hodginsii, thông hai lá dẹt (Pinus krempfii), bách xanh (Calocedrus macrolepi)…

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.