Multimedia Đọc Báo in

Lời cảnh tỉnh cho những người dùng tiền "chạy việc"

08:17, 09/09/2018

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ án lừa đảo “chạy trường, chạy việc” để chiếm đoạt tài sản liên tiếp diễn ra trên địa bàn tỉnh, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần, “tiền thì mất việc thì không”. Kẻ lừa đảo tuy đã bị pháp luật trừng trị thích đáng, nhưng những người bị hại cũng có phần đáng trách.

Mới đây, TAND tỉnh đã tổ chức phiên tòa sơ thẩm hình sự xét xử và tuyên phạt bị cáo Y Tuyến Ksơr (SN 1970, tên gọi khác là Ama Hiếu, trú TP. Buôn Ma Thuột), nguyên thượng tá, nguyên Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC 64, Công an tỉnh Đắk Lắk) mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ tháng 5-2012 đến tháng 4-2014, Y Tuyến Ksơr giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ (PA71, Công an tỉnh Đắk Lắk); từ tháng 5-2014 đến tháng 8-2016 là thượng tá, Phó trưởng Phòng PC64, đã “nổ” bản thân mình quen biết với lãnh đạo Bộ Công an, nên có khả năng xin cho người khác vào học tại các trường của ngành Công an, vào công tác trong ngành Công an, hoặc xin chuyển công tác từ đơn vị này qua đơn vị khác.

Phiên tòa xét xử bị cáo Y Tuyến Ksơr.
Phiên tòa xét xử bị cáo Y Tuyến Ksơr.

Tin tưởng vào lời nói ngon ngọt, cũng như mỗi lần đưa tiền “chạy trường, chạy việc” cho con em mình đều được Y Tuyến Ksơr viết giấy biên nhận đầy đủ, kèm theo lời khẳng định chắc nịch là sẽ thành công nên 62 nạn nhân từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã không ngần ngại đưa cho Y Tuyến từ hàng trăm triệu đồng đến hơn cả tỷ đồng để “chạy”. Tổng số tiền mà bị cáo Y Tuyến Ksơr đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại là 24,3 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền lừa đảo này, bị cáo dùng để trả nợ cho những người mà mình đã nhận tiền, nợ tiền trước đó và sử dụng vào mục đích cá nhân. Tại thời điểm kiểm tra tài sản, bị cáo chỉ còn tổng tài sản là hơn 60 triệu đồng và hai mảnh đất nhưng đã thế chấp cho ngân hàng, nên không thể bồi thường cho các nạn nhân.

 Ông Phan T. (huyện Cư M’gar) cho biết, vào năm 2015, ông được một người tự giới thiệu là “công an mật” có quan hệ quen biết với bị cáo Y Tuyến nói có thể lo cho con ông vào lực lượng công an. Tin tưởng vào người này, gia đình ông đã mang giấy tờ nhà thế chấp ngân hàng vay 550 triệu đồng rồi đưa cho người “công an mật” này và Y Tuyến để lo cho con mình “một suất” vào công an. “Sau một thời gian chờ đợi nhưng không thấy kết quả, biết mình bị lừa nên tôi đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của ông ấy. Giờ đây, tiền thì đã đưa nhưng việc thì không có, nhà cửa thì bị ngân hàng phát mãi, cả gia đình tôi phải ra ngoài thuê nhà ở nên cuộc sống vất vả vô cùng”, ông T. chua xót.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, bà Trần Thị S. (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đau khổ than thở: “Con tôi học xong đại học nhưng mãi không xin được việc nên vào tháng 6-2016, thông qua một người là cấp dưới của ông Y Tuyến, gia đình tôi đã đi vay mượn, thế chấp ngân hàng được 380 triệu đồng để đưa cho ông ấy với mong muốn có được một việc làm ở Trường Văn hóa III (Bộ Công an). Đến tháng 10-2016, chờ mãi mà không có được việc làm như ông Y Tuyến đã hứa trước đó, biết mình bị lừa nên tôi đã trình báo với các cơ quan chức năng. Giờ này chúng tôi cũng không biết phải làm thế nào khi mà tiền thì đã mất, hằng tháng còn phải trả lãi cho ngân hàng”. Tương tự, bà H. (TP. Buôn Ma Thuột) cũng đang phải “gồng mình” trả lãi khoản vay hơn 1,3 tỷ đồng để đưa cho ông Y Tuyến nhằm “lo việc, lo đi học” cho hai người con và một người cháu của mình. Đau xót hơn vì bà H. lại là một cán bộ làm trong ngành Công an. Sau khi biết mình bị lừa, bà làm đơn tố cáo thì cũng đã bị đơn vị phê bình, kỷ luật.    

Rất nhiều nạn nhân của bị cáo Y Tuyến Ksơr tham dự phiên tòa.
Rất nhiều nạn nhân của bị cáo Y Tuyến Ksơr tham dự phiên tòa.

Tại phiên tòa, bị cáo Y Tuyến Ksơr cho rằng bản thân cũng chỉ là “nạn nhân của cơ chế xin cho” bởi nếu không thì bị cáo đã không thể lừa được nhiều người với số tiền lớn như vậy. Bị cáo Y Tuyến Ksơr tha thiết xin Hội đồng xét xử chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án này cho cơ quan điều tra của Bộ Công an hoặc Viện KSND Tối cao điều tra lại từ đầu nhằm tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm. Bởi, Y Tuyến cho rằng trong số tiền hơn 24 tỷ đồng đã chiếm đoạt thì bị cáo đã đem đi “biếu” và “chung chi” cho một số người làm trong ngành Công an và các ngành khác. Tuy nhiên, đại diện Viện KSND tỉnh và Hội đồng xét xử đều khẳng định bị cáo không có chứng cứ nào chứng minh những cán bộ, lãnh đạo đó có nhận tiền của bị cáo. Những người bị Y Tuyến khai đã nhận tiền từ Y Tuyến cũng đều phủ nhận điều này, nên những lời khai này là không có cơ sở và không được chấp nhận.

Kết thúc phiên tòa, mức án tù chung thân mà bị cáo Y Tuyến Ksơr phải nhận theo như Hội đồng xét xử nhận xét là tương thích với hành vi phạm tội của bị cáo. Đại diện Viện KSND, Chủ tọa phiên tòa, các luật sư bào chữa cũng cho rằng, đây cũng là bài học đắt giá cho những người đã đưa tiền “chạy việc, chạy trường”. Bởi, ngoài là những nạn nhân bị lừa đảo thì xét dưới một góc độ nào đó, chính hành động đưa tiền để “chạy” của các bị hại là một trong những tác nhân tạo điều kiện phạm tội cho bị cáo Y Tuyến Ksơr.

Hội đồng xét xử cũng khuyến cáo, mong muốn cho con em mình có một việc làm ổn định là lý do hoàn toàn chính đáng, nhưng người dân không nên nghe những lời “hứa hão” rồi bỏ ra hàng trăm triệu đồng để lo cho con em mình bằng mọi giá. Bởi lẽ, theo quy định, khi có kế hoạch tuyển dụng thì các cơ quan sẽ thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Việc tuyển dụng trong các cơ quan nhà nước hiện nay được thực hiện công khai, minh bạch. Những người dân có nhu cầu về việc làm hoặc cần việc cho người thân, cần phải liên hệ trực tiếp các đơn vị tuyển dụng để có thông tin chính xác, không nên đặt niềm tin mù quáng để rồi rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”. 

Hà Duy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.