Lúng túng việc xử lý quần áo đã qua sử dụng nhập lậu
Tình trạng nhập lậu quần áo cũ diễn ra liên tiếp với chiều hướng gia tăng thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh không chỉ ảnh hưởng đến ngành dệt may trong nước mà còn gây lúng túng cho cơ quan chức năng trong vấn đề xử lý.
Từ nhiều năm nay, đồ si-đa (tên gọi của một số mặt hàng quần áo cũ) được bày bán nhiều trên địa bàn tỉnh và có được lượng khách hàng nhất định. Có “cầu” thì ắt có “cung”, gần đây tình trạng vận chuyển mặt hàng bị cấm này qua địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng. Cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ vận chuyển đồ si-đa với số lượng lớn.
Mới đây nhất, rạng sáng ngày 21-8, tại km 1.729 thuộc Quốc lộ 14, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4 (thuộc Chi cục QLTT tỉnh) phối hợp với Trạm Cảnh sát Giao thông Krông Búk đã bắt quả tang xe vận chuyển quần áo cũ nhập lậu thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn. Theo đó, chiếc xe BKS 81C- 046.71 do tài xế Nguyễn Tấn Hải (trú tại tỉnh Gia Lai) điều khiển đang vận chuyển tổng cộng 160 kiện hàng, tương đương 14 tấn hàng hóa. Qua kiểm tra, toàn bộ số hàng trên xe là quần áo ngoại nhập đã qua sử dụng.
Xe vận chuyển quần áo cũ nhập lậu bị Chi cục Quản lý thị trường tỉnh phát hiện, tạm giữ. |
Cũng cách đây không lâu, ngày 2-7 tại km 1.756+500 thuộc Quốc lộ 14, Đội QLTT số 4 phối hợp với Trạm Cảnh sát Giao thông Krông Búk tiến hành dừng phương tiện mang BKS 81C-102.41 do ông Huỳnh Thanh Truyền (trú tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) điều khiển. Qua kiểm tra, phát hiện trên xe đang vận chuyển 4.585 kg quần áo ngoại nhập đã qua sử dụng. UBND tỉnh đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với tài tế Huỳnh Thanh Truyền về hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu.
Việc quần áo cũ “đổ bộ” ồ ạt vào thị trường nội địa số lượng lớn gây ảnh hưởng lớn cho ngành dệt may trong nước. Không những thế, còn gây lúng túng cho cơ quan chức năng trong vấn đề xử lý. Theo cơ quan chức năng thì việc xử phạt ở lĩnh vực này được căn cứ theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP, ngày 15-11-2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng.
Trên thực tế, đối với các trường hợp vi phạm trên địa bàn, mức xử phạt có vụ lên đến gần 100 triệu đồng. Đây là mức xử phạt căn bản đã đủ tính răn đe, nhưng về cách thức xử lý hàng hóa vi phạm vẫn gây lúng túng cho cơ quan chức năng. Bởi, hiện vẫn chưa có quy định nào nêu rõ quy trình xử lý đối với mặt hàng này. Tính đến hiện tại, Chi cục QLTT đang thu giữ gần 20 tấn quần áo đã qua sử dụng nhập lậu, trong khi không có đủ kho bãi chứa để chờ xử lý. Trong khi đó, nếu tiến hành tiêu hủy thì Nhà nước phải bỏ ra một khoản kinh phí lớn để tổ chức tiêu hủy.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc