Nan giải phòng chống cháy nổ ở chợ trung tâm huyện M'Đrắk
Chợ trung tâm huyện M’Đrắk là nơi kinh doanh, buôn bán sầm uất nhất huyện với nhiều mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao như: Quần áo, giày dép, vàng mã, chăn - ga - gối - nệm...; là nơi tụ họp, làm ăn sinh sống của hàng trăm hộ gia đình. Tuy nhiên, thực trạng xuống cấp của chợ và việc quy hoạch, bày bán hàng hóa ngổn ngang đang là những trở ngại trong phòng chống cháy nổ.
Chợ huyện M’Đrắk được xây dựng từ năm 1989 với quy hoạch ban đầu là khu chợ lồng, gồm 36 gian hàng diện tích từ 10 - 16 m2. Tuy nhiên, do nhu cầu mua bán ngày càng tăng trong quá trình sử dụng, quy mô của chợ ngày càng “phình” ra. Đến nay, chợ có tổng diện tích 9.800 m2, có 317 hộ kinh doanh cố định với lượng hàng hóa trị giá hàng chục tỷ đồng và hàng nghìn lượt người vào ra mua bán mỗi ngày.
Qua quan sát thực tế bên trong chợ huyện M’Đrắk, hầu hết các gian hàng đều tự ý cơi nới diện tích kinh doanh bằng cách giăng phông bạt, mái che chằng chịt, bao bì, vật liệu dễ cháy để tràn lan, hàng hóa bày bán lộn xộn lấn ra hành lang chợ cũng là lối thoát hiểm khi cần thiết; nhiều gian hàng buôn bán lớn nằm sâu trong chợ hơn chục năm nay, nhưng do chủ quan, không chú trọng đến phòng chống cháy nổ nên vẫn chưa thực hiện đúng công tác phòng cháy chữa cháy. Khu giữa chợ thiếu sáng và ẩm thấp, bóng đèn điện được sử dụng hết công suất cả ngày với dây kéo đấu nối lộn xộn, tạm bợ, tiềm ẩn nguy cơ chập điện, quần áo treo mắc che lấp các ổ điện; nhang đèn ở ban thờ của mỗi gian hàng nghi ngút khói và gần sát các sạp chất cao quần áo. Khu thức ăn nấu chín với những bếp than rực lửa lọt thỏm, bị vây kín bởi các gian hàng quần áo, đồ nhựa dễ cháy... Trong sự thấp thỏm lo âu khi gần như cả gia tài của mình đều dồn hết vào gian hàng trong chợ, anh Lê Anh Tuấn - một hộ kinh doanh trong chợ bức xúc: “Gia đình tôi ở sâu trong chợ, nhưng lối đi đã bị các hộ lấn chiếm gần hết, nếu xảy ra cháy thì chạy thoát thân còn khó nói gì đến việc di dời tài sản, hàng hóa. Chúng tôi rất cần các ngành chức năng vào cuộc để xử lý tình trạng này, càng kéo dài ngày nào chúng tôi “ăn không ngon, ngủ không yên” ngày đó”.
Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại chợ M’Đrắk. |
Một thực trạng đáng lo ngại là khu vực cổng chính, 4 cổng phụ và xung quanh chợ cũng bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh trái cây, đồng hồ, đồ chơi trẻ em, chỗ gửi xe...; nếu có hỏa hoạn thì rất khó tiếp cận với bên trong để chữa cháy, việc cứu người và hàng hóa lại càng khó khăn hơn. Anh Hồ Sỹ Quý, người dân ở tổ dân phố 2, thị trấn M’Đrắk, cho hay: Nguy cơ cháy thì thường trực mà chợ không có hệ thống đường ống cấp nước đến các khu vực trong chợ nên nếu có cháy thì công tác chữa cháy cũng phải thủ công, hầu hết các bình chữa cháy xách tay trang bị thiếu, chất lượng thì không bảo đảm... Điều này khiến các hộ dân sống xung quanh chợ cũng cảm thấy bất an.
Chợ M'Đrắk. |
Lo ngại về nguy cơ cháy nổ ở chợ trung tâm huyện M’Đrắk là có căn cứ, bởi trước đây khi đặt ra tình huống giả định xảy ra vụ cháy trong lần diễn tập tại chợ M’Đrắk ngày 7-6-2016, do Phòng Cảnh sát PCCC tiến hành đã cho thấy nhiều bất cập: đám cháy bùng phát và lan rộng trong khi người dân lúng túng tìm cách xử lý; phương tiện chữa cháy thiếu; đơn vị cứu hỏa ở xa chợ 35 km nên lực lượng chuyên nghiệp khó có mặt kịp thời. Trong thực tế, vào ngày 5-5-2018 vừa qua, phòng làm việc của Ban Quản lý chợ cũng đã xảy ra hỏa hoạn. Dù chưa gây thiệt hại nặng nề nhờ phát hiện, can thiệp kịp thời của quần chúng nhân dân và lực lượng chức năng nhưng đây cũng là lời cảnh báo cho các hộ kinh doanh và cơ quan quản lý chợ huyện M’Đrắk bởi không ít người vẫn nghĩ rằng, phòng chống cháy nổ là trách nhiệm của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy! Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Hợp tác xã Điện nước M’Đrắk - đơn vị quản lý chợ M’Đrắk, cho biết: Phòng chống cháy nổ là vấn đề tồn tại khá lâu, rất nan giải của đơn vị suốt nhiều năm qua. Trước mắt, đơn vị đã làm công tác tuyên truyền và cho các hộ kinh doanh ký cam kết phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên thực trạng của chợ hiện nay rất khó để quản lý!
Thiết nghĩ, trong điều kiện chưa thể giải quyết mở rộng mặt bằng kinh doanh, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành chức năng trong việc quản lý, xử lý tình trạng vi phạm an toàn phòng chống cháy nổ. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là tự nâng cao ý thức chủ động phòng tránh của mỗi người dân nhằm bảo vệ tài sản và tính mạng của mình.
Thu Nguyệt
Ý kiến bạn đọc