Tăng cường bảo đảm an toàn hành lang lưới điện mùa mưa bão
Công ty Điện lực Đắk Lắk hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm an toàn hành lang lưới điện trong mùa mưa bão. Tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện gây ra các sự cố trên lưới tăng cao trong những ngày qua.
Công ty Điện lực Đắk Lắk đang quản lý vận hành gần 4.300 km đường dây trung áp, hơn 5.600 km đường dây hạ áp. Lưới điện trải rộng, trong đó có nhiều tuyến, đoạn đường dây băng qua rừng đặc dụng, núi, đồi… Trong thời gian qua, đơn vị đã ghi nhận nhiều sự cố điện xảy ra do cây cối đổ ngã, va quẹt vào đường dây. Theo thống kê, từ đầu mùa mưa năm 2018 đến nay, số sự cố điện tăng khoảng 50% so với mùa khô, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp điện cho khách hàng.
Tuy nhiên, bên cạnh các nguyên nhân khách quan thì số lượng sự cố xảy ra do tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp chiếm một tỷ lệ khá lớn. Tính đến tháng 8-2018, toàn tỉnh có 53 trường hợp nhà cửa, công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện và 990 khoảng trụ có cây cối có nguy cơ ngã, đổ vào hành lang. Các vụ vi phạm tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Buôn Đôn, Cư Kuin, Ea Súp, Lắk, Ea H’leo… - nơi đi qua các rừng đặc dụng, rừng quốc gia và khu vực trồng nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.
Vườn cây cao su trồng trong khu vực hành lang an toàn lưới điện ở xã Ea Tar, huyện Cư M’gar. |
Công ty Điện lực Đắk Lắk cũng đã xử lý nhiều vụ vi phạm nhằm giảm thiểu sự cố trên các tuyến đường dây. Như các vụ vi phạm thuộc xã Krông Nô (huyện Lắk), lưới điện trung áp khu vực này thường xuyên xảy ra dự cố do đường dây đi qua các rừng keo, rừng thông và rừng đặc dụng Nam Ka. Ngoài ra, người dân còn trồng các loại cây như cao su, bạch đàn, keo, tràm… cũng như xây dựng, cơi nới nhà cửa ngay dưới đường dây. Tại huyện Ea H’leo, tình trạng cây cao su bị ngã, đổ vào đường dây trong mùa mưa vẫn thường diễn ra. Trong quý 3-2018, Điện lực huyện Ea H’leo đã vận động Công ty Cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk tự chặt bỏ 1.250 cây cao su vi phạm, giải phóng hành lang cho gần 15 km đường dây trung áp. Đồng thời, đơn vị đã phối hợp xử lý 103 km đường dây của khách hàng, vận động chặt trên 300 cây keo và tỉa cành hàng trăm cây cao su, cây ăn trái nằm trong phạm vi hành lang an toàn đường dây của ngành Điện.
Trước mùa mưa bão, Công ty Điện lực Đắk Lắk đã tăng cường kiểm tra, cập nhật về nhà ở, công trình vi phạm, cây có khả năng ngã đổ, nhà ở trong hành lang an toàn lưới điện cao áp… trên chương trình cấp phiếu tập trung tại địa chỉ https://ktat.cpc.vn. Trên cơ sở theo dõi, thống kê, tổng hợp và xử lý các trường hợp vi phạm về hành lang, đơn vị đã thông báo kịp thời các trường hợp này đến các gia đình, đơn vị chủ quản các nhà ở, công trình… nhằm giúp cá nhân, tổ chức nhận thấy được những nguy hiểm tiềm ẩn và chủ động thực hiện việc tháo gỡ, di dời công trình ra khỏi ra khỏi khu vực mất an toàn. Các đơn vị quản lý vận hành cũng được chỉ đạo tăng cường tần suất kiểm tra kỹ thuật đường dây và bố trí nhân lực chặt tỉa cây trong và ngoài hành lang có nguy cơ vi phạm khoảng cách, ngã đổ vào đường dây. Song song đó, Công ty Điện lực Đắk Lắk cũng đã tích cực liên hệ, thông báo đến chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan chức năng để phối hợp ngăn chặn kịp thời và giải quyết các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, cải thiện tình hình, giảm thiểu số vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện.
Nhân viên Công ty Điện lực Đắk Lắk làm việc với khách hàng có công trình vi phạm hành lang tại xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin. |
Tuy nhiên, trên thực tế, việc giải quyết dứt điểm các vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện theo Nghị định 14/NĐ-CP ngày 26-2-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện còn gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết chủ sở hữu các công trình nhà ở, các cây trồng nằm dưới các tuyến hành lang vẫn chưa thực sự phối hợp, chủ động tháo gỡ, di dời. Việc xử lý vi phạm chỉ dừng lại ở mức độ rong tỉa cành cây hằng tháng nhằm hạn chế sự cố, còn việc chặt hạ vẫn chưa thể thực hiện do các vườn cây có giá trị kinh tế cao, giá cả đền bù vẫn chưa đạt được thỏa thuận.
Do đó, trước mắt Công ty Điện lực Đắk Lắk tập trung xử lý các điểm mất an toàn, thực hiện cải tạo lưới điện, thay một số đoạn dây trần bằng dây bọc cũng như điều chỉnh tuyến đường dây cho phù hợp để giảm vi phạm. Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 330 vị trí không bảo đảm pha đất, Công ty đã yêu cầu các Điện lực nâng cao khoảng cách pha đất tại các vị trí có nhà ở, công trình… vi phạm hành lang bằng cách trồng xen trụ, chụp đầu trụ, di chuyển trụ... Ngoài ra, đơn vị cũng đã in và phát hơn 100.000 tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp trên toàn địa bàn tỉnh. Song, để bảo đảm an toàn lưới điện, hạn chế sự cố trong mùa mưa bão, rất cần sự đồng thuận, phối hợp từ người sử dụng điện và chính quyền địa phương các cấp.
Hương Cẩm
Ý kiến bạn đọc