Phát huy vai trò của người đứng đầu cơ sở, khu dân cư trong phòng cháy chữa cháy
Từ đầu năm 2018 đến nay, trên cả nước xảy ra 2.679 vụ cháy, làm chết 68 người, bị thương 151 người, thiệt hại hơn 1.512 tỷ đồng và 305 ha rừng.
Đối với địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tình hình cháy, nổ cũng diễn biến hết sức phức tạp; cụ thể: trong 9 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã xảy ra 45 vụ cháy, 1 vụ nổ (tăng 20 vụ so với cùng kỳ năm 2017), làm bị thương 2 người, thiệt hại về tài sản ước tính gần 9,5 tỷ đồng, 140 ha mía và 30,045 ha rừng trồng. Thống kê nguyên nhân cháy cho thấy, có 18 vụ do sự cố hệ thống điện; 7 vụ do sơ suất trong sử dụng lửa; 8 vụ do đốt; 2 vụ do sự cố thiết bị máy móc; 2 vụ do sét đánh và 9 vụ do những nguyên nhân khác.
Có thể thấy, hầu hết những vụ cháy, nổ xảy ra đều xuất phát từ việc chấp hành chưa nghiêm túc các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC); một bộ phận cán bộ, nhân dân còn xem nhẹ, chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong công tác PCCC… dẫn đến việc triển khai, thực hiện công tác PCCC tại cơ sở, khu dân cư chưa được bảo đảm; khi có cháy, nổ xảy ra thì bị động, xử lý không kịp thời. Khi đám cháy mới xảy ra thường là cháy nhỏ, nếu được phát hiện và xử lý kịp thời thì việc dập tắt đám cháy rất nhanh và đơn giản; nhưng nếu không phát hiện sớm, không biết cách và không có phương tiện để xử lý thì đám cháy sẽ phát triển lớn, việc tổ chức chữa cháy trở nên rất khó khăn, phức tạp.
Cán bộ, nhân viên UBND tỉnh tham gia tập huấn PCCC. |
Thực tiễn đã chứng minh, công tác PCCC có hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc triển khai thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” thì vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp, khu dân cư rất quan trọng bởi họ là người quyết định mọi hoạt động PCCC của cơ sở, khu dân cư mình phụ trách, từ việc ban hành nội quy, quy định về PCCC; đầu tư, trang bị các phương tiện PCCC tại chỗ… cho đến tổ chức thành lập, chỉ đạo và duy trì hoạt động lực lượng PCCC. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở và khu dân cư cũng đã được nêu rõ tại Điều 5 Luật PCCC (sửa đổi bổ sung): “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC; thành lập, duy trì hoạt động đội PCCC; ban hành nội quy và biện pháp về PCCC; tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về PCCC; bảo đảm kinh phí cho hoạt động PCCC”…
Để phát huy vai trò, trách nhiệm trong PCCC, thiết nghĩ người đứng đầu các cơ sở, khu dân cư cần phải có nhận thức đúng, đầy đủ về trách nhiệm của mình đối với vấn đề PCCC. Cần xác định rõ: đây không chỉ là trách nhiệm của bản thân với nơi mình quản lý, điều hành, nơi mình làm chủ mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng, với xã hội; vì vậy, không thể phó mặc trách nhiệm này cho người khác, cũng như không nên vì lợi ích trước mắt mà có thái độ đối phó, tổ chức hoạt động PCCC một cách hình thức, qua loa chiếu lệ. Bên cạnh đó, cần tích cực, chủ động tìm hiểu để nắm được những kiến thức cơ bản về pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ PCCC, đặc biệt là nội dung, cách thức tổ chức hoạt động PCCC tại chỗ trong phạm vi trách nhiệm của mình; đồng thời, cần có chương trình, kế hoạch tổ chức kiểm tra thường xuyên, liên tục hoạt động PCCC, hoạch định kinh phí và đầu tư tương xứng cho hoạt động PCCC; xây dựng quy trình, quy chế, quy định cụ thể, rõ ràng làm căn cứ trong phân công, phân việc cũng như xử lý cá nhân, tổ chức khi thực hiện hoạt động PCCC (kể cả trách nhiệm trước pháp luật khi có hành vi vi phạm về PCCC hoặc khi xảy ra cháy, nổ).
Cán bộ, nhân viên UBND tỉnh tham gia tập huấn PCCC. |
Một điều quan trọng là cần xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ đủ khả năng thực hiện tốt các hoạt động PCCC; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc và chỉ đạo hoạt động của lực lượng này, bảo đảm cho hoạt động này được thực hiện liên tục và có hiệu quả, đúng định hướng. Song song với đó, cần chú trọng động viên khen thưởng, xử lý gắn với việc thực hiện trách nhiệm của từng cá nhân được phân công trong hoạt động PCCC; quan tâm đến việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện hoạt động PCCC nhằm phát huy những mặt làm được, kịp thời khắc phục những thiếu sót, hạn chế phát sinh trong thực tiễn để có định hướng đúng đắn, sát hợp hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Ngoài ra, cần thường xuyên phối hợp với cơ quan Cảnh sát PCCC có thẩm quyền để được hướng dẫn về xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ; trang bị phương tiện, các điều kiện an toàn về PCCC cũng như các biện pháp, giải pháp PCCC phù hợp với đặc điểm tình hình của cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh,… nơi mình phụ trách.
Đại tá Nguyễn Thành Tâm
Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh
Ý kiến bạn đọc