Multimedia Đọc Báo in

Góp sức ngăn chặn hoạt động "tín dụng đen"

14:37, 29/12/2018

"Tín dụng đen" - dịch vụ cho vay nặng lãi với muôn hình vạn trạng từ vay nóng đến cầm đồ, thế chấp... đã và đang làm cho người dân vướng vào nghịch cảnh “tốt vay, dày nợ”. Để giảm thiểu tình trạng này, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh đã ra quân với nhiều hoạt động thiết thực nhằm ngăn chặn nạn "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh.

Do thiếu vốn làm ăn nên chị N.T.N, trú tại thị trấn M’Đrắk (huyện M’Đrắk) đã vay tiền từ hai đối tượng Trần Văn Thuận, Nguyễn Văn Tú.  Hai đối tượng này có hộ khẩu thường trú ở tỉnh Bắc Giang và tạm trú tại tổ 3A, thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar). Chị N. kể, từ một mẫu quảng cáo vay vốn được dán trên địa bàn thị trấn, chị gọi điện cho hai đối tượng trên, nhanh chóng thỏa thuận là chị sẽ vay 50 triệu đồng với lãi suất 2 triệu đồng/10 ngày. Hai đối tượng hẹn chị N. cùng một số người dân sống trên địa bàn huyện M’Đrắk cũng có nhu cầu vay tiền đến quán cà phê Thủy Tiên ở tổ dân phố 1, thị trấn M’Đrắk, đang giao dịch thì bị Công an huyện M’Đrắk bắt quả tang. Qua đấu tranh, hai đối tượng khai nhận đã cho 5 người tại thị trấn M’Đrắk vay tổng số tiền 67 triệu đồng, hiện Công an huyện M’Đrắk đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhóm đối tượng cho vay nặng lãi đến từ Hải Dương hoạt động trên địa bàn tỉnh bị Công an TP. Buôn Ma Thuột bắt vào tháng 11 vừa qua.  Ảnh: Anh Tài
Nhóm đối tượng cho vay nặng lãi đến từ Hải Dương hoạt động trên địa bàn tỉnh bị Công an TP. Buôn Ma Thuột bắt vào tháng 11 vừa qua. Ảnh: Anh Tài

Không chỉ riêng với người dân ở những huyện vùng sâu, vùng xa như M’Đrắk, người dân ở TP. Buôn Ma Thuột vẫn còn hoảng sợ khi kể về nhóm 10 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản do Bùi Văn Thịnh, thường trú tại xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng cầm đầu đã bị Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) phối hợp cùng Công an TP. Buôn Ma Thuột triệt phá bắt giữ vào ngày 1-10. Theo đó, từ đầu năm 2018 đến nay, nhóm của Thịnh đã cho gần 270 hộ dân vay tổng số tiền là 2,6 tỷ đồng với lãi suất lên đến 360%/năm. Đáng chú ý có 40 hộ người dân tộc thiểu số vay với số tiền 960 triệu đồng. Phòng Cảnh sát hình sự đã khởi tố, bắt giam 4 đối tượng, đang hoàn tất hồ sơ để xử lý 6 đối tượng còn lại theo quy định của pháp luật.

Đó chỉ là hai trong số những vụ án nghiêm trọng liên quan đến "tín dụng đen" được Công an tỉnh xử lý. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ Công an tỉnh, năm 2018, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 12 vụ nghiêm trọng liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Nhận thấy "tín dụng đen" ngày càng biến tướng phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh, Đoàn thanh niên Công an tỉnh đã triển khai kế hoạch tổ chức ra quân tình nguyện tháo gỡ, xóa quảng cáo, rao vặt trái phép và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho quần chúng nhân dân về tội phạm hoạt động "tín dụng đen". Chỉ tính riêng từ đợt cao điểm đầu tháng 11 đến nay, Đoàn thanh niên Công an tỉnh đã tổ chức 31 đợt với hơn 1.000 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia tháo gỡ, xóa quảng cáo, rao vặt trái phép liên quan đến "tín dụng đen" trên 46 tuyến đường thuộc TP. Buôn Ma Thuột; chiếu phim phóng sự và tổ chức phát động phong trào quần chúng đấu tranh phòng chống hoạt động tội phạm "tín dụng đen" trên địa bàn toàn tỉnh.

Đoàn viên Công an tỉnh xóa quảng cáo, rao vặt liên quan đến
Đoàn viên Công an tỉnh xóa quảng cáo, rao vặt liên quan đến "tín dụng đen" trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Anh Tài

Theo Bí thư đoàn cơ sở Phòng Cảnh sát hình sự Nguyễn Văn Tú, "tín dụng đen" có nhiều dạng khác nhau nhưng nói chung đều có phương thức, thủ tục rất nhanh gọn: Không cần thế chấp, chỉ cần bấm điện thoại, cung cấp một số giấy tờ tùy thân đơn giản là có thể giải quyết cho vay, thậm chí không cần hợp đồng. Các đối tượng cho vay rất ma mãnh, không ghi lãi suất trong hợp đồng, khi cơ quan chức năng phát hiện thì trình ra hợp đồng đã ký chứng minh là giao dịch dân sự thông thường, không có nội dung thể hiện cho vay nặng lãi, gây khó khăn cho việc điều tra, xử lý. Ngoài ra, các nhóm "tín dụng đen" còn có thủ đoạn núp bóng kinh doanh cầm đồ, hoạt động tinh vi, tạo vỏ bọc bằng hình thức kinh doanh hợp pháp để phạm tội khiến công tác đấu tranh triệt pháp của lực lượng công an gặp nhiều khó khăn. Do đó, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa về phương thức, thủ đoạn của "tín dụng đen" để mọi người đề cao cảnh giác, chủ động phòng tránh và phối hợp lực lượng Công an cơ sở đấu tranh với loại tội phạm này; đồng thời phối hợp Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV tại Đắk Lắk hướng dẫn quy trình, thủ tục vay vốn cho người dân ...

Để đối phó với cơ quan chức năng, hiện các đối tượng hành nghề "tín dụng đen" đang chuyển từ hình thức dán quảng cáo, rao vặt sang phát tờ rơi tới từng nhà, rao vặt trên mạng xã hội Facebook, Zalo... thông qua các bình luận bằng hình ảnh chứa nội dung quảng cáo nên người dân cần chú ý cảnh giác, tránh bị lừa.


Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.