Vươn lên từ lầm lỗi
Chỉ một phút không làm chủ bản thân, nghe theo lời rủ rê của bạn bè, anh Nguyễn Tấn Hiền, sinh năm 1982, ở thôn 5, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) vướng vào vòng lao lý. Mãn hạn tù trở về sau gần 8 năm thụ án, anh đã vượt qua mặc cảm và định kiến xã hội để tạo cho mình một công việc có thu nhập ổn định.
Là con trai út trong gia đình có 9 anh chị em, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên sau khi tốt nghiệp lớp 9, anh Nguyễn Tấn Hiền phải bỏ dở việc học đi làm thuê nơi đất khách. Những ngày tháng xa gia đình, vì nghe theo lời rủ rê của bạn bè, số tiền anh kiếm được không đủ cho những cuộc ăn chơi. Tháng 2-2011 trong một lần không tự chủ, anh vi phạm pháp luật và bị kết án 8 năm tù giam. Khi nhận ra lỗi lầm thì cũng đã muộn màng, vì thế suốt những tháng năm trong trại giam, anh cố gắng học tập cải tạo để sớm đoàn tụ với gia đình.
Tháng 5-2018, anh được ra tù trước thời hạn 8 tháng, thế nhưng ngày trở về thay cho sự mở rộng vòng tay đón nhận là những cái nhìn thiếu thiện cảm của bạn bè và những người chung quanh, vì vậy con đường hoàn lương của anh cũng khá gập ghềnh. Anh Hiền chia sẻ, khi nghe tin được mãn hạn tù trước thời hạn anh rất vui, vì kể từ đây mình có thể bắt đầu một cuộc sống mới. Nhưng thật nghiệt ngã lúc gặp lại những người lớn tuổi trong làng hoặc bè bạn, anh cúi đầu chào hỏi thì chỉ được đáp trả bằng cái nhìn xoi mói. Tiếp đó cha anh qua đời càng khiến anh buồn bã, suốt hơn hai tháng trời anh chẳng dám bước ra ngoài gặp ai…
Anh Nguyễn Tấn Hiền chăm sóc đàn thỏ của gia đình. |
Thế rồi, được sự quan tâm, thăm hỏi, động viên của chính quyền và tình thương yêu của anh em trong gia đình, dần dần anh lấy lại niềm tin, quyết tâm làm lại từ đầu. Nhưng đất đai, vốn liếng, nghề nghiệp chẳng có, giữa lúc chưa biết xoay xở ra sao thì anh Hiền được người anh rể cho 700.000 đồng để mua 10 con thỏ giống Newzeland về nuôi. Sau 4 tháng chăm sóc, đàn thỏ của anh đã phát triển và sinh trưởng tốt. Nhưng niềm vui ấy cũng ngắn ngủi khi đàn thỏ sinh lứa thứ hai bị chết hàng loạt trên 100 con, thiệt hại gần chục triệu đồng.
Ngay tại thời điểm khó khăn chồng chất tưởng chừng không vượt qua nổi, anh được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay số tiền 50 triệu đồng để mở rộng quy mô nuôi thỏ thương phẩm. Có được số vốn lớn trong tay, anh bắt đầu sửa chữa chuồng trại, tìm mua lại 50 con giống chất lượng về nuôi. Để tránh bị thất bại như lần trước, anh Hiền gia nhập vào các hội nuôi thỏ Cư Kuin, Đắk Lắk, Quảng Nam để được chia sẻ kinh nghiệm; một mặt truy cập trên mạng Internet tìm hiểu cách chăm sóc cho thỏ. Nhờ vậy đàn thỏ của anh không bị nhiễm bệnh, sinh trưởng đều đặn, mỗi năm 6 lứa.
Ngoài thức ăn thô đi lấy trong rừng, anh trích ra số tiền 8,2 triệu đồng để mua máy ép cám viên cho thỏ. Trước đây thức ăn tinh bột cho thỏ phải mua ngoài thị trường với giá 390.000 đồng/bao, nhưng chỉ cho ăn được 2 ngày. Từ khi có máy ép cám viên thì anh sử dụng những nguyên liệu sẵn có như ngô, lúa, cám… sản xuất tại chỗ, chất lượng sạch không có phụ gia, không có chất bảo quản, rất phù hợp cho chăn nuôi, mà giá thành chỉ bằng một nửa sản phẩm cùng loại ở thị trường.
Anh Nguyễn Tấn Hiền sử dụng nguyên liệu sẵn có để sản xuất thức ăn cho thỏ. |
Qua một năm thực hiện mô hình nuôi thỏ, trong chuồng của anh Hiền luôn có 50 thỏ mẹ và có từ 600 - 700 con thỏ thương phẩm; trung bình mỗi tháng xuất bán 150 kg, với giá dao động từ 65.000 - 70.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí anh lãi 6 triệu đồng/tháng. Anh Hiền cho biết thêm: Thông qua các hội nuôi thỏ anh đã được nhiều người biết đến với thương hiệu “Trại thỏ Krông Bông” và đặt mối tiêu thụ. Với số lượng thỏ như hiện có, gia đình anh vẫn chưa đủ cung ứng ra thị trường, nhưng vì đường sá vận chuyển khó khăn nên đôi khi thương lái ngại đến trực tiếp và giá cả luôn thấp hơn thị trường. Khi hỏi về dự định trong tương lai anh Hiền cho biết sẽ tiếp tục phát triển đàn thỏ quy mô lớn hơn, đồng thời với ưu thế tự sản xuất thức ăn gia súc, anh sẽ xây dựng chuồng trại để phát triển thêm chăn nuôi gà.
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc