Các vườn quốc gia trước áp lực giữ rừng
Vườn Quốc gia (VQG) là nơi còn gìn giữ được nhiều loài động, thực vật quý hiếm nên thường xuyên đối diện với nguy cơ bị xâm nhập để khai thác lâm sản, săn bắt động vật trái phép. Để giữ vững an ninh rừng, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) ở các VQG đã phải chịu nhiều áp lực...
Áp lực từ nhiều phía
VQG Chư Yang Sin rộng hơn 59.463 ha, là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm. Tiếp giáp với Vườn là 93 thôn, buôn của 21 xã với hàng vạn hộ dân sinh sống. Đa phần đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào rừng nên đã tạo ra áp lực rất lớn đối với công tác QLBVR. Hiện tại, mối nguy lớn nhất đối với tài nguyên rừng ở đây chính là việc người dân lén lút xâm nhập rừng đặt bẫy thú. Để săn được thú rừng, lâm tặc sử dụng rất nhiều loại bẫy với hình dáng, kích cỡ khác nhau để có thể bắt được những loài thú từ lớn đến nhỏ. Chúng được đặt khắp nơi trong rừng, thú rừng không may vướng phải hầu như không có đường thoát.
Kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin tuần tra bảo vệ rừng. |
Ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc VQG Chư Yang Sin cho biết, khu vực rừng của đơn vị quản lý có địa hình rất phức tạp với nhiều dãy núi cao và suối sâu nên các phương tiện cơ giới hầu như không di chuyển được. Để tuần tra kiểm soát rừng, lực lượng kiểm lâm phải đi bộ, mỗi chuyến đi kéo dài cả tuần, phải ăn ngủ dưới tán rừng... Công việc này hết sức vất vả, nguy hiểm. Trong khi đó, lâm tặc lại chủ động xâm nhập rừng từ nhiều hướng nên áp lực lên rừng là rất lớn.
Tương tự, tại VQG Yok Đôn, công việc QLBVR cũng gặp rất nhiều khó khăn, áp lực. Do VQG Yok Đôn có đặc thù hệ sinh thái rừng khộp, địa hình bằng phẳng nên dễ dàng cho các loại phương tiện có thể thâm nhập vào sâu trong rừng khai thác và vận chuyển lâm sản. Ngoài ra, Vườn còn có 7 xã vùng đệm, với 90 thôn, buôn, khoảng 50.000 nhân khẩu sống bao quanh. Đặc biệt, trong đó có buôn Đrang Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) với 119 hộ dân, 481 nhân khẩu sống trong vùng lõi của Vườn. Do đời sống của người dân ở những khu vực này còn nhiều khó khăn, họ thường xuyên xâm nhập vào rừng để khai thác gỗ, các loại lâm sản phụ, săn bắn để kiếm thêm nguồn thu nhập. Cùng với đó là tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất làm nương rẫy...
“Rừng ở đây bị bủa vây bởi dân cư xung quanh, địa hình ra vào rừng lại thuận lợi tạo áp lực rất lớn với công tác QLBVR. Dù đã rất nỗ lực nhưng chúng tôi cũng chỉ góp phần kéo giảm tình hình vi phạm lâm luật. Còn nếu đề ra chỉ tiêu phải ngăn chặn hết những hành vi vi phạm lâm luật ở đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn”, ông Phạm Tuấn Linh, Phó Giám đốc phụ trách VQG Yok Đôn chia sẻ.
Nỗ lực bảo đảm an ninh rừng
Ông Phạm Tuấn Linh cho biết, để ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản trái phép, lực lượng kiểm lâm VQG Yok Đôn luôn bám sát địa bàn, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, chính quyền địa phương xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho người dân vùng đệm luôn được chú trọng bằng nhiều hình thức. Nhờ đó đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân với công tác QLBVR. Trong 6 tháng đầu năm 2019, số vụ vi phạm lâm luật giảm 95 vụ (106/201 vụ, tương đương 47%), phương tiện các loại tịch thu giảm 101 phương tiện (93/194, tương đương 52%); số cây bị cắt hạ giảm 140 cây (133/273 cây, tương đương 51%)... so với cùng kỳ năm 2018.
Kiểm lâm VQG Yok Đôn tháo gỡ bẫy thú của các đối tượng săn trộm đặt trong rừng. |
Đứng trước những mối nguy đối với rừng, VQG Chư Yang Sin cũng đang "gồng mình" triển khai việc tuần tra kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm lâm luật. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, đơn vị Vườn đã tổ chức 163 chuyến tuần tra dài ngày (từ 3 - 6 ngày) với 1.448 lượt người và 997 chuyến tuần tra trong ngày với 2.683 lượt người tham gia. Kết quả, lực lượng kiểm lâm Vườn đã thu giữ được 383 chiếc bẫy thú các loại và 2 khẩu súng tự chế; phá 4 lán trại trái phép trong rừng; phát hiện, đẩy đuổi 207 đối tượng xâm nhập trái phép vào rừng.
Theo ông Phạm Tuấn Linh, để công tác QLBVR ở các VQG giảm bớt áp lực, rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng trong công tác phối hợp tuần tra, truy quét và xử lý vi phạm. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra hộ khẩu, tạm trú tạm vắng và tịch thu các phương tiện độ chế không được phép lưu thông; thường xuyên kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ, các hộ kinh doanh sản xuất hàng mộc dân dụng. Một kiến nghị khác được xem là giải pháp căn cơ để bảo đảm an ninh rừng mà ông Phạm Tuấn Linh đề xuất là cần sớm giải quyết những khó khăn vướng mắc liên quan đến tình trạng di dân tự do sinh sống ở khu vực giáp ranh với rừng và có phương án di dân ra khỏi rừng…
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc