Multimedia Đọc Báo in

Cần cảnh giác với những thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội

08:33, 31/08/2019

Hiện nay, mạng xã hội đang được sử dụng rộng rãi với các tiện ích, giúp con người kết nối, sẻ chia. Đi cùng với các tính năng hữu dụng, mạng xã hội cũng lắm “cạm bẫy”, nếu người dùng thiếu tỉnh táo rất dễ bị mắc phải.

Mới đây, tại chương trình giao lưu “Hành trình xây đắp hạnh phúc” do Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức có diễn một vở kịch “An toàn trong sử dụng mạng xã hội”, khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Chuyện bắt đầu từ việc hai sinh viên đang lướt mạng xã hội, mới  nhìn thấy cảnh mấy thau cá, mấy giỏ trái cây đổ lung tung ra đường dù chưa rõ sự việc như thế nào đã vội đoán già đoán non rằng sự việc xảy ra ở chợ, “hình như đang dẹp mấy người buôn bán trên vỉa hè”.

Khi có thêm phụ huynh xem cùng, cả ba bàn luận sôi nổi hơn, rồi kết luận: "công an, quản lý chợ đổ hàng người dân là quá ác, làm kiểu này thì sao mà dân không oán”… Sẵn đà, họ bàn tán, tranh cãi việc trên mạng xã hội có thông tin vị tướng cấp cao trong Quân đội gần 70 tuổi, nhưng vẫn lén lút quan hệ với gái trẻ dẫn đến có con ngoài ý muốn. Câu chuyện chỉ dừng lại khi ông Bảy (ông của một sinh viên trong nhóm), từng là cán bộ quân y, người đã triệt sản cho vị tướng (vì nhiễm chất độc da cam) lên tiếng, thì mọi người mới vỡ lẽ nhiều điều…

Vở kịch
Vở kịch "An toàn trong sử dụng mạng xã hội" tại chương trình giao lưu "Hành trình xây đắp hạnh phúc".

Vở kịch tuy ngắn, nhưng đã phần nào phản ánh mặt trái của mạng xã hội hiện nay. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết của không ít người dùng, nhiều đối tượng lên mạng đặt điều, vu khống, thổi phồng, nói xấu, gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, cá nhân, tập thể. Đáng lo ngại hơn, tình trạng tin giả, độc, xấu ngày càng xuất hiện dày đặc với lượt xem, chia sẻ, bình luận "khủng".

Còn nhớ hồi tháng 3-2019, khi dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát ở một số tỉnh, thành phố thì một tài khoản Facebook đã loan tin thất thiệt rằng dịch có thể “lây sang người và chết người”, tin thu hút hàng chục nghìn lượt bình luận và chia sẻ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi, cũng như tâm lý người tiêu dùng. Trước đó, một Facebooker đã bịa chuyện bé gái bị bắt cóc ngay giữa trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, với các "bằng chứng" được cập nhật khiến dư luận hoang mang, lo lắng. Chỉ khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, đối tượng mới xin lỗi rằng “đó chỉ là tin đồn nghe kể lại trên mạng xã hội”…

Trước sự bùng nổ của công nghệ, mạng xã hội ngày càng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhiều người. Tuy vậy, không phải ai cũng đủ tỉnh táo, đủ kiến thức để nhận biết thông tin thật - giả. Vì thế, mọi người cần hết sức cảnh giác trước những thông tin chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội mà chưa được kiểm chứng.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.