Multimedia Đọc Báo in

Công an huyện Krông Ana: Tích cực vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ

08:55, 15/08/2019

Nhằm tăng cường công tác quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, từ đầu năm đến nay Công an huyện Krông Ana luôn bám sát địa bàn, thường xuyên xuống cơ sở tuyên truyền, vận động người dân tự giác giao nộp vũ khí và vật liệu nổ.

Thực hiện đợt cao điểm vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các loại pháo của Công an huyện Krông Ana, Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (TTXH) – Công an huyện đã phối hợp với công an các xã, thị trấn tích cực xuống tận cơ sở thôn, buôn trên địa bàn, trực tiếp gặp gỡ người dân để tuyên truyền pháp luật và các quy định của Nhà nước về các loại vũ khí và vật liệu nổ. Tại các buổi tuyên truyền, gặp gỡ, cán bộ, chiến sĩ của Đội Quản lý hành chính về TTXH đã giải thích cho người dân hiểu rõ những mối nguy hiểm tiềm tàng và tác hại của việc sản xuất, buôn bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trái phép đối với tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Anh Lày Văn Long (giữa), buôn Krông (xã Dur Kmăl) giao nộp súng cho Công an viên xã Dur Kmăl.
Anh Lày Văn Long (giữa), buôn Krông (xã Dur Kmăl) giao nộp súng cho Công an viên xã Dur Kmăl.

Mới đây, buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân tại buôn Krông (xã Dur Kmăl) của Công an huyện mà chủ công là Đội Quản lý hành chính về TTXH đã được người dân đồng tình, hưởng ứng. Sau khi được nghe về những tác hại của việc sử dụng súng tự chế, đã có 3 người dân là anh Lày Văn Long, Nông Văn Thu và Quang Văn Tùng tự giác giao nộp 3 súng cồn tự chế cho lực lượng công an.

Anh Lày Văn Long chia sẻ, chiếc súng cồn anh vừa giao nộp cho Công an huyện đã được anh tự chế cách đây 3 năm. Trong 3 năm qua, anh dùng súng để săn bắn chim, chuột. Cách đây tầm 2 tháng Công an viên xã Dur Kmăl và Công an huyện đã đến tận nhà vận động anh giao nộp, nhưng vì tiếc và sợ nộp xong không có công cụ săn bắn nên anh vẫn chần chừ. Trong đợt tuyên truyền vào đầu tháng 8-2019, anh trực tiếp đi nghe tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, trong đó có nội dung về tác hại của vũ khí tự chế nên anh đã suy nghĩ lại. Sau đó, anh đã tự giác giao nộp khẩu súng cồn của mình cho lực lượng công an. 

Trong khi đó, anh Quang Văn Tùng cũng vì tiếc khẩu súng tự chế nên đắn đo trong việc giao nộp. Anh bộc bạch: Trực tiếp nghe cán bộ Công an huyện dẫn chứng những vụ việc, sự nguy hiểm của việc sử dụng súng cồn, pháo nổ anh cũng thấy “nổi da gà”, nhưng nếu giao nộp thì không còn dụng cụ để săn bắn. Song sau khi thực hiện việc ký vào Bản cam kết “Không sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo” do Công an huyện tổ chức, anh thấy áy náy, bởi mình đã ký cam kết trên giấy, sao lại không thực hiện? Thế là cuối buổi tuyên truyền đó, anh nhờ một người hàng xóm chở về, lấy khẩu súng cồn cất trong nhà lên giao nộp cho Công an.

Công an huyện Krông Ana đến nhà dân tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí. Ảnh: Công an huyện cung cấp.
Công an huyện Krông Ana đến nhà dân tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí. Ảnh: Công an huyện cung cấp.

Ông Tào Văn Cấp, Bí thư Chi bộ buôn Krông cho biết, do đặc thù địa hình của địa phương có đồi núi bao quanh nên một số người dân có thói quen săn bắn, chủ yếu dùng súng cồn tự chế. Thậm chí, việc diệt chuột để bảo vệ mùa màng cũng được người dân dùng súng cồn, gây nguy hiểm cho người sử dụng và những người xung quanh. Việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về sử dụng các loại vũ khí thực sự rất thiết thực với một buôn vùng sâu, vùng xa như buôn Krông.

Trước đó, vào cuối tháng 7-2019, ông Y Siă Niê ở buôn Kô (xã Ea Bông) cũng đã tự giác trình báo và giao nộp cho Đội Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH 1 khẩu súng AK47 và 12 viên đạn mà ông cất giữ bấy lâu nay. Đây là khẩu súng mà ông được trang bị trong thời gian nhập ngũ. Sau khi giải ngũ, ông Y Siă đem súng về nhà cất giữ như là một vật kỷ niệm. Mới đây, khi dọn nhà, ông mới phát hiện khẩu súng nằm trong đống đồ cũ, bị rỉ sét gần hết. Sau đó, ông đã nhanh chóng trình báo và giao nộp cho cơ quan Công an.

Trung tá Trần Viết Nghĩa, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH (Công an huyện Krông Ana) cho hay, với những kết quả đạt được qua các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, lực lượng Công an rất hoan nghênh tinh thần tự giác của người dân ở các thôn, buôn trên địa bàn huyện. Qua đây cũng mong rằng các gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện noi gương trong việc thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật, khẩn trương giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, pháo, công cụ hỗ trợ mà mình đang tàng trữ trái phép, qua đó giúp cơ quan Công an đảm bảo tốt hơn tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện.

Đội Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH (Công an huyện Krông Ana) cho biết, 7 tháng đầu năm 2019, người dân trên địa bàn huyện đã tự giác giao nộp 28 khẩu súng cho lực lượng Công an. Trong đó, 1 súng quân dụng AK47; 2 súng săn PCP; 1 súng hơi, còn lại là súng cồn tự chế; 12 viên đạn và 10 ống phụ tùng của súng AK47.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.