Multimedia Đọc Báo in

Thực tập phương án chữa cháy ở các tòa nhà nhiều tầng: Góp phần nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ

09:06, 21/08/2019

Trước tình hình cháy nổ có nhiều diễn biến phức tạp, thời gian qua Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh) đẩy mạnh công tác phối hợp tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các tòa nhà nhiều tầng, nhà cao tầng.

Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản khi xảy ra hỏa hoạn. Mặc dù các tòa nhà nhiều tầng, nhà cao tầng trước khi đưa vào sử dụng, hoạt động đều đã được nghiệm thu về hệ thống PCCC, hệ thống báo cháy theo đúng bản vẽ thiết kế, tuy nhiên do đặc điểm là nơi ở, kinh doanh nên các tòa nhà nhiều tầng, nhà cao tầng thường thiết kế bởi nhiều loại vật liệu, chứa lượng lớn chất cháy cũng như đa dạng về chủng loại chất cháy nên nguy cơ xảy ra cháy nổ là rất cao.

Bên cạnh đó, việc lắp đặt, sử dụng nhiều thiết bị điện, sử dụng cùng lúc nên có khả năng dẫn đến tình trạng quá tải, phát sinh tia lửa điện, gây ra hỏa hoạn. Vì vậy nếu xảy ra cháy nổ nguy cơ thiệt hại về người, tài sản là rất lớn. Đơn cử như vụ cháy quán karaoke ở huyện Đông Anh (Hà Nội) xảy ra vào trung tuần tháng 5-2019 khiến 2 người tử vong; hay vụ cháy chung cư Carina ở TP. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 3 năm 2018 khiến nhiều người tử vong…

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thực tập phương án chữa cháy  tại Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thực tập phương án chữa cháy tại Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có gần 40 tòa nhà nhiều tầng, nhà cao tầng, gồm các chung cư, nhà ký túc xá đại học, trung tâm thương mại. Để chủ động ứng phó với mọi tình huống hỏa hoạn, hằng năm Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đều xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các tòa nhà này. Trước khi tiến hành thực tập, Phòng cảnh sát PCCC và CNCH tiến hành khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng bản thiết kế của các tòa nhà, xây dựng, đưa ra nhiều tình huống giả định sát với thực tế và tổ chức thực tập, hướng dẫn cho lực lượng chữa cháy cơ sở.

Trên cơ sở nhận định, phán đoán các tình huống cháy nổ xảy ra ở những tòa nhà nhiều tầng, nhà cao tầng thường phức tạp, hỏa hoạn lớn, các buổi thực tập luôn có sự tham gia phối hợp của nhiều lực lượng, như: Công ty điện lực, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự và lính cứu hỏa chuyên nghiệp. Qua các buổi thực tập, Cảnh sát PCCC và CNCH cùng ban quản lý các tòa nhà tổ chức rút kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả trong công tác phối hợp chữa cháy giữa lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp và cơ sở.

“Việc tiến hành thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các tòa nhà nhiều tầng, nhà cao tầng là biện pháp tuyên truyền trực quan quan trọng, rất thực tế, bởi qua diễn tập hai bên kịp thời phát hiện ra những tồn tại, thiếu sót để chấn chỉnh, khắc phục. Đây còn là một trong những hình thức rà soát, kiểm tra toàn bộ hệ thống trang bị, phương tiện phục vụ công tác PCCC tại đây một cách hiệu quả, chính xác nhất” - thượng tá Trần Trọng Văn, Phó Trưởng Phòng cảnh sát PCCC và CNCH khẳng định.

Cảnh sát phòng cháy chữa cháy hướng dẫn người dân cách sơ cứu  nạn nhân bị hỏa hoạn.
Cảnh sát phòng cháy chữa cháy hướng dẫn người dân cách sơ cứu nạn nhân bị hỏa hoạn.

Những vụ cháy nổ thường xảy ra không theo nguyên tắc, quy luật nào, vì vậy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cũng xây dựng nhiều tình huống, kịch bản giả định khác nhau để mỗi năm tổ chức thực tập tại các nhà nhiều tầng, nhà cao tầng theo một tình huống. Nhờ đó lực lượng PCCC chuyên nghiệp sẽ nắm rõ vị trí địa lý, hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy của các tòa nhà để điều động phương tiện tham gia chữa cháy, cứu nạn có thể tiếp cận một cách nhanh chóng nhất, phối hợp với lực lượng phòng cháy cơ sở khống chế lửa khi có hỏa hoạn, không để cháy lan.

Một giải pháp quan trọng khác được Phòng Cảnh sát PCCC chú trọng triển khai là hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm cho người dân sống, sinh hoạt tại các tòa nhà. Ngoài trang bị xe thang cứu hộ cao hơn 30 mét, có khả năng đưa người bị nạn từ trên cao xuống an toàn, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thường xuyên mở các lớp hướng dẫn người dân thao tác, cách sử dụng thành thạo các công cụ thoát hiểm, như: thang dây; các tư thế nhảy từ trên cao xuống phao hơi; sử dụng ống tụt và xử lý khi có khói ngạt; sơ cứu vết thương khi gặp hỏa hoạn. Đây là những kiến thức, kỹ năng hết sức hữu ích, cần thiết, giúp người dân không rơi vào trạng thái hoảng loạn, mất bình tĩnh để có thể tự cứu bản thân khi xảy ra hỏa hoạn, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người.

Thảo Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.