Multimedia Đọc Báo in

Nỗi đau tai nạn giao thông

07:42, 27/10/2019

Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn huyện Cư M’gar đã để lại hậu quả nặng nề, không chỉ cướp đi sinh mạng mà còn kéo theo những hệ lụy đau lòng.

Một gia đình yên ấm bỗng bất hạnh khôn cùng khi người chồng ra đi vĩnh viễn trong một vụ tai nạn giao thông. Đến bây giờ, chị Trịnh Thị Yên ở thôn 2 (xã Ea Kpam) vẫn không thể quên được vụ tai nạn giao thông đầu tháng 5-2019 đã cướp đi người chồng thân yêu. Hai xe máy đâm đối đầu nhau làm 1 người chết, 4 người bị thương. Người tử vong là anh Lê Đức Dũng (SN 1986), chồng chị Yên. Chị Yên không được nhìn mặt chồng lần cuối bởi anh tử vong ngay khi được đưa đến bệnh viện… Chồng mất để lại cho chị Yên gánh nặng gia đình với bố mẹ già và hai đứa con nhỏ. Từ ngày chồng mất, cuộc sống của gia đình chị chật vật hơn rất nhiều, bởi một mình chị Yến không thể kham nổi việc chăm sóc vườn cà phê và công việc cạo mủ cao su…

Đại diện Đoàn Thanh niên xã Ea Kpam thăm hỏi gia đình chị Yên sau vụ tai nạn.
Đại diện Đoàn Thanh niên xã Ea Kpam thăm hỏi gia đình chị Yên sau vụ tai nạn.

Với gia đình chị Bế Thị Hường ở thôn 7 (xã Cư M’gar), dù đã gần một năm trôi qua nhưng nỗi đau mất người thân vì tai nạn giao thông vẫn chưa thể nguôi ngoai. Chỉ vì một lần sơ ý điều khiển xe máy lấn làn đường, cộng với xử lý tình huống không tốt, anh Nông Văn Hải, chồng chị Hường đã tông vào xe ô tô trên đoạn đường liên xã Cư M’gar đi Quảng Hiệp và tử vong. Anh ra đi khi chỉ mới 30 tuổi, để lại hai đứa con thơ dại. Khi còn sống, ngoài làm mấy sào lúa, rẫy của gia đình, anh Hải còn nhận thầu xây dựng kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Nhà mất đi người đàn ông trụ cột, một mình chị Hường vừa làm mẹ, vừa làm cha chăm sóc cho hai đứa con. Do ít đất sản xuất nên sau giờ đưa đón con đến trường, chị phải tranh thủ làm thuê, làm mướn song do công việc không nhiều nên cuộc sống của gia đình rất chật vật. Năm 2019, gia đình chị được xếp vào diện hộ nghèo.

Theo thống kê của Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự (Công an huyện Cư M’gar), chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn huyện đã xảy ra 31 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm 14 người chết, 33 người bị thương, làm hư hỏng hàng chục phương tiện các loại. Trong đó, có 14 vụ tai nạn nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, làm 14 người chết, 9 bị thương… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn và va chạm giao thông nhưng chủ yếu vẫn là do ý thức của người điều khiển các phương tiện khi tham gia giao thông, như: Phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn đường, phần đường, không chú ý quan sát, điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia... Hậu quả để lại cho nạn nhân và gia đình sau các vụ tai nạn giao thông hết sức nặng nề.

Sau ngày chồng mất, cuộc sống của gia đình chị Hường chật vật hơn rất nhiều.
Sau ngày chồng mất, cuộc sống của gia đình chị Hường chật vật hơn rất nhiều.

Trung tá Nguyễn Trọng Quyết, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông – Trật tự cho biết, trong 9 tháng qua, đơn vị đã phát hiện và ra quyết định xử phạt hành chính 2.397 trường hợp vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ 541 phương tiện các loại. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, không có giấy phép lái xe, đăng ký xe, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông… Việc luôn nâng cao ý thức, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ của người tham giao thông thông là hết sức cần thiết để đảm bảo an toàn khi đi đường, cũng như hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.