Multimedia Đọc Báo in

Cẩn trọng với hình thức huy động vốn lãi suất cao

09:04, 11/11/2019

Sau khi Công ty Cổ phần Tập đoàn dự án Hoàng Gia (Tập đoàn Hoàng Gia) bị tố lừa đảo, tại Đắk Lắk vẫn còn diễn ra hoạt động theo hình thức "huy động vốn" kinh doanh cho lãi suất “khủng”.

Trung tuần tháng 10 vừa qua, tôi được mời dự buổi tư vấn tham gia góp vốn vào một dự án trí tuệ nhân tạo thời đại 4.0 có tên M.W.L, trụ sở đặt tại Singapore. Một nhóm người tự xưng là nhà đầu tư “thiên thần” của dự án này quảng cáo rằng công ty hành nghề kinh doanh dòng tiền đa quốc gia, cách thức đầu tư góp vốn khá đơn giản: Người tham gia chỉ cần chọn gói tiền đầu tư để “nuôi” hai con robot của công ty, chúng tự biết cách tính toán, kiếm tiền trên không gian mạng để mang về lợi nhuận cho nhà đầu tư. Có 6 gói đầu tư cho người tham gia lựa chọn, gói nhỏ nhất là 100 USD, lớn nhất là 25.000 USD. Đầu tư gói nào lợi nhuận cũng cao gấp 3 lần tiền vốn góp vào, song nhóm người này "khuyên" nên đầu tư gói từ 5.000 - 25.000 USD vừa được lãi cao (từ 1-1,4% hằng ngày) vừa được tài trợ đi du lịch Singapore miễn phí...

Công ty Cổ phần Tập đoàn dự án Hoàng Gia tổ chức tọa đàm lúc chưa bị tố lừa đảo.  Ảnh minh họa
Công ty Cổ phần Tập đoàn dự án Hoàng Gia tổ chức tọa đàm lúc chưa bị tố lừa đảo. Ảnh minh họa

Sau khi đóng tiền, mỗi nhà đầu tư sẽ được cấp một tài khoản riêng để đăng nhập vào hệ thống công ty; tất cả mọi giao dịch đầu tư, trả lãi đều thực hiện trên hệ thống điện tử chứ không có bất kỳ hợp đồng ràng buộc nào. Ngoài ra, nhà đầu tư sẽ được hưởng mức hoa hồng rất cao nếu rủ được thêm người khác tham gia. Việc của các nhà đầu tư mới là mời nhà đầu tư "tiềm năng" ra quán cà phê, còn việc tư vấn cứ để người của công ty lo!

Theo các chuyên gia tài chính cảnh báo, lãi suất tiền gửi tại bất cứ ngân hàng nào cũng đều phải tuân thủ theo khung quy định chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, người dân phải cảnh giác trước mọi chiêu lừa huy động vốn lãi suất cao, hay những kiểu kinh doanh tài chính không được Nhà nước cho phép.

Buổi "tư vấn" hay bị cắt ngang do điện thoại của nhóm người này liên tục báo có người xin tham gia góp vốn. (Được biết đây là một hình thức "chim mồi" do chính họ giăng ra để bẫy khách hàng - PV). Thấy tôi chần chừ, họ tiếp tục thuyết phục cứ góp vốn trước, khi nào nhận lãi thì báo cho người thân biết hoặc cho họ gặp trực tiếp người thân để “tư vấn”.

Sau đó không lâu, tôi lại được mời tham gia dự án đầu tư tiền ảo của một công ty công nghệ mang tên L.N. W. Cách thức đầu tư như sau: Người góp vốn bỏ tiền ra mua đồng tiền điện tử (đồng tiền ảo) do công ty này phát hành sau đó sẽ được hưởng lãi suất rất cao kèm theo nhiều quyền lợi khác. Người tự xưng là chủ công ty khẳng địnhcông nghệ họ đang nắm giữ rất hiện đại, bậc nhất thế giới. Khi quyết định đầu tư, hai bên tự thỏa thuận với nhau chứ không có hợp đồng ràng buộc bởi việc phát hành, kinh doanh dòng tiền ảo chưa được Chính phủ thông qua. Đặc biệt, người mua đồng tiền ảo không được thoái vốn nửa chừng mà phải đầu tư theo các gói lâu dài. Nghe vậy, nhiều người đến dự thấy không khả quan, sợ rơi vào trường hợp như các nạn nhân trong vụ Tập đoàn Hoàng Gia nên không dám đầu tư.

Theo tìm hiểu, tại Đắk Lắk hiện có nhiều dự án huy động vốn lãi suất rất cao. Hình thức của các công ty này khá giống nhau: Mở hội thảo, thuyết trình tại các nhà hàng, khách sạn sang trọng để lôi kéo khách mua các sản phẩm hữu hình như thực phẩm chức năng, đồ gia dụng… hoặc có thể là đầu tư sản phẩm vô hình như tiền ảo bitcoin, bất động sản hay kinh doanh nhà hàng, khách sạn… để huy động tài chính. Chiêu trò của các "dự án" này thường lấy tiền của người sau trả cho người trước để tạo lòng tin, kéo thêm nhiều nạn nhân mới vào.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần bổ sung sớm các công cụ quản lý mới cũng như hoàn thiện hành lang pháp lý cho phù hợp thực tiễn để ngăn chặn chiêu trò núp bóng huy động vốn lãi suất cao thực chất là lừa đảo, chiếm đoạt tiền của dân.

Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.