Xã Ea Nuôl: Khốn đốn vì "tín dụng đen"
"Tín dụng đen" đã len lỏi đến các buôn làng ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn. Nhiều gia đình không chỉ mất nhà cửa, đất đai mà còn phải sống trong tình cảnh nơm nớp lo âu.
Bà H’Nga Byă (SN 1968, buôn Ko Đung A, xã Ea Nuôl) là một trong những người điêu đứng vì “tín dụng đen”. Năm 2017, bà H’Nga vay Ngân hàng Nam Á Chi nhánh Buôn Ma Thuột số tiền 400 triệu đồng để đầu tư chăm sóc cà phê và nuôi 6 đứa con ăn học. Thế nhưng giá cà phê liên tục xuống thấp, chi phí ăn học của các con nhiều nên chỉ một thời gian sau, số tiền này hết sạch. Để không bị ngân hàng phát mãi tài sản, không còn cách nào khác, đến kỳ trả nợ cho ngân hàng, bà H’Nga phải vay "nóng" ở bên ngoài với lãi suất lên đến 10.000 đồng/1 triệu đồng/ngày.
Với lãi suất như vậy, cứ mỗi lần đáo hạn ngân hàng bà H'Nga lại phải "cõng" thêm 25 triệu đồng tiền lãi ngoài. Trong lần đi đáo nợ ở ngân hàng, bà H'Nga gặp và quen với bà H’Ên Êban (buôn Tơng Ju, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột). Sau một thời gian tạo được quan hệ thân thiết, bà H’Ên nhờ bà H’Nga vay giúp 200 triệu đồng trong 5 ngày để đáo nợ ngân hàng, với lãi suất... bao nhiêu cũng được! Vì đang túng quẫn và thấy "ngon ăn", bà H’Nga đã đến người quen trong buôn vay 200 triệu đồng, với lãi suất 3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày về cho bà H’Ên vay lại với lãi suất 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày.
Hai ngày sau, bà H’Ên mang đủ tiền gốc và 1 triệu đồng tiền lãi đến trả; vài ngày sau lại đến nhờ bà H’Nga vay giúp cho 324 triệu đồng trong 10 ngày, nói sẽ trả lãi suất 10.000 đồng/1 triệu/ngày, tăng gấp đôi lần trước. Bà H’Nga liền đến nhà bà N.C.T. (thôn Hòa Nam) vay 324 triệu đồng với lãi suất 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày về cho H’Ên vay lại.
Qua 10 ngày, không thấy bà H’Ên mang tiền đến trả, gọi điện thoại không liên lạc được, bà H’Nga phải tìm đến tận nhà để đòi, nhưng H’Ên nói đã bị lừa, giờ không có khả năng trả. Thế là ngoài số tiền nợ ngân hàng chưa trả được, bà H'Nga lại nợ thêm gần 400 triệu đồng (324 triệu đồng tiền gốc cộng với lãi suất của số tiền này).
Xã Ea Nuôl tuyên truyền cho người dân buôn Ko Đung A về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của "tín dụng đen". |
Không có tiền trả nợ, bị chủ nợ đe dọa nên bà H’Nga lo sợ tìm đến một người khác ở buôn Ky (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) vay 600 triệu đồng để trả cho bà N.C.T. Khi vay tiền, bà H’Nga phải đưa trước cho chủ nợ 130 triệu đồng tiền lãi trong 1 năm (lãi suất 22,6%/năm). Sang năm thứ hai, vì bà H’Nga không có tiền trả lãi, chủ nợ cộng dồn tiền lãi vào số tiền gốc nên chỉ trong 6 tháng đầu tiên của năm thứ hai, bà H' Nga được thông báo số nợ đã tăng lên 800 triệu đồng.
Để có tiền trả nợ, bà H'Nga lại đi mượn của người này trả cho người khác, cứ thế nợ lại chồng nợ, lãi mẹ đẻ lãi con. Đến thời điểm này, tính cả gốc và lãi, bà H' Nga đã nợ đến 4,3 tỷ đồng. Các chủ nợ đến đe dọa lấy nhà, lấy đất nên bà H’Nga phải đến chính quyền cầu cứu. Lô đất rẫy 1,4 ha đang trồng cà phê và căn nhà đang ở đã thế chấp ngân hàng, hai vợ chồng phải đi làm thuê để kiếm tiền nuôi con và trang trải cuộc sống.
Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Ea Nuôl
|
Một trường hợp khác là bà Lai Mỹ Dung (SN 1961, trú tại buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl) vay của bà H’Loan Aliô (SN 1969, trú cùng buôn) 10 triệu đồng. Sau hai năm bà Dung đã trả bà H’Loan hơn 11 triệu đồng, nhưng vẫn nợ 80 triệu đồng tiền lãi. Cuối năm 2017, bà H’Loan bị Công an tỉnh khởi tố và tạm giam vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nhưng vẫn giao cho con trai là Y Bhô Aliô (SN 1992) tiếp tục thu hồi khoản nợ từ bà Dung. Y Bhô nhờ Nguyễn Văn Tiến (SN 1992, trú tại xã Ea Cao, TP. Buôn Ma Thuột) đòi nợ.
Đầu tháng 7-2018, Tiến và một số đối tượng khác ở TP. Buôn Ma Thuột đã cưỡng đoạt đồ vật của bà Dung đưa về TP. Buôn Ma Thuột. Tài sản chiếm đoạt hơn 20 triệu đồng. Hiện nay 4 đối tượng này đã bị Công an huyện Buôn Đôn khởi tố.
Từ 2017 đến nay trên địa bàn xã Ea Nuôl có đến 7 vụ vỡ nợ vì vay mượn tiền nặng lãi. Chủ nợ huy động các đối tượng đòi nợ thuê, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Một số người bị hại trong quá trình vay mượn thường giấu thông tin, thậm chí không hợp tác với công an, mãi tới khi bị đe dọa khống chế mới đến Công an xã cầu cứu. Có trường hợp bị đe dọa, khủng bố điện thoại, gây áp lực tinh thần phải đến công an xã trốn.
Bà H' Nga Byă (buôn Ko Đung A, xã Ea Nuôl) mất hết đất đai nhà cửa vì "tín dụng đen". |
UBND xã Ea Nuôl chỉ đạo cho Công an xã phối hợp với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hậu quả của “tín dụng đen”; phương thức, thủ đoạn cho vay nặng lãi, các hành vi đòi nợ trái pháp luật... để người dân nâng cao ý thức cảnh giác và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Khi bị dụ dỗ hay đe dọa, cưỡng đoạt tài sản thì báo ngay cho chính quyền kịp thời giải quyết. Đồng thời hướng dẫn người dân phát huy hiệu quả vốn vay từ phía ngân hàng để có thể trả nợ đúng hạn.
Theo Thượng tá Đinh Quang Thành, Trưởng Công an huyện Buôn Đôn, thời điểm giáp hạt và dịp Tết là lúc nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng đột biến và cũng là cơ hội cho “tín dụng đen” phát triển. "Tín dụng đen" kéo theo nguy cơ gây mất an ninh trật tự - an toàn xã hội, đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh tan cửa nát nhà. Ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành vào cuộc để bảo vệ bình yên cho buôn làng.
Thanh Nga
Ý kiến bạn đọc