Ma túy tàn phá thôn nghèo
Nằm sâu hun hút trong những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn huyện Krông Năng, hàng chục năm nay, thôn Giang Đông (xã Ea Dăh, huyện Krông Năng) bị “cơn bão” ma túy hoành hành khiến kinh tế nhiều gia đình kiệt quệ, vợ chồng ly tán, tình hình trật tự, an ninh địa phương bất ổn.
Ám ảnh “cái chết trắng”
Thôn Giang Đông hiện có 151 hộ dân với 834 nhân khẩu, hầu hết là người dân tộc Hmông ở các tỉnh phía Bắc di cư vào từ năm 1996 đến nay. Theo Trưởng thôn Giàng A Nụ, trong số những người di cư đến thôn có cả con nghiện ma túy vào để cai nghiện nhưng không thành. Ngược lại, họ còn trực tiếp mua bán, sử dụng ma túy và lôi kéo nhiều người khác nghiện theo. Tệ nạn ma túy xuất hiện ở thôn Giang Đông từ lâu nhưng rầm rộ nhất là khoảng năm 2015 đến nay. Mặc dù các cấp chính quyền thường xuyên tuyên truyền, vận động nhưng tình trạng này chỉ mới thuyên giảm chứ chưa giải quyết được triệt để. Để có tiền mua ma túy sử dụng, con nghiện thường đi làm thuê cho người dân trong xã, hoặc phá rừng, một số thì trộm cắp vặt... khiến tình hình an ninh trật tự của thôn phức tạp.
Nhà ở chật hẹp của một gia đình có người nghiện ma túy ở thôn Giang Đông. |
Đứng trước bàn thờ của vợ, anh Phàn A Ch. kể: Năm 1996, gia đình anh từ tỉnh Yên Bái vào thôn Giang Đông lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Vất vả lắm vợ chồng mới dựng được căn nhà ván và mua vài sào rẫy để trồng ngô, sắn. Thế nhưng vài năm trở lại đây, vợ anh là Giàng Thị L. sa vào con đường nghiện ngập. Nhà có gì có giá trị cũng bị vợ lén lút mang đi bán. Tháng 6-2019, trong một lần chích ma túy chị L. bị sốc thuốc chết. Giờ đây, 5 đứa con của vợ chồng anh đã bỏ xứ đi làm ăn xa, anh Ch. cũng bán nốt căn nhà còn lại của gia đình rồi đến ở nhờ nhà người em trai trong xã.
Cách đó chừng 100 m là căn nhà vách nứa xiêu vẹo của vợ chồng Mùa Thị P. và Vàng A L.. Đã hơn 3 giờ chiều nhưng cả nhà P. không ai đi làm. Trên chiếc phản tre ọp ẹp, 5 người đàn ông (trong đó có Vàng A L.) vẫn ngồi say sưa uống rượu, còn Mùa Thị P. thì ngồi giữa nền nhà lờ đờ vì phê thuốc. Giọng chị P. như người vô hồn: “Chồng mình thì cứ say rượu suốt ngày chẳng chịu làm ăn gì. Mình chán thì hút cho đỡ buồn thôi. Quen rồi nên không có là trong người bứt rứt, không chịu được”.
Lối thoát cho Giang Đông?
Ông Đinh Xuân Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Dăh cho biết, thôn Giang Đông trước đây vốn là khu rừng đầu nguồn, nhưng nay bị tàn phá trơ trụi, đất đai trong vùng trở nên cằn cỗi khó canh tác. Nhiều người dân đã liều lĩnh vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (giáp ranh) để săn trộm thú rừng. Đáng nói hơn, có người còn bán bò giống, ngô giống mà Nhà nước hỗ trợ để mua ma túy. Chính quyền địa phương thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền nhưng không hiệu quả. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân còn thấp nên dễ bị các đối tượng xấu dụ dỗ vào con đường nghiện ngập, rồi trở thành đầu nậu buôn bán ma túy của chúng.
Chị Mùa Thị P. ở thôn Giang Đông với ánh nhìn xa xăm về tương lai mờ mịt của gia đình. |
Trong thôn từng có trường hợp cả nhà nghiện ngập, nhiều nhà kẻ chết người tù tội vì ma túy... Ma túy không biết từ đâu như vòi bạch tuộc, chặt đầu này lại mọc đầu kia".
Trưởng thôn Giang Đông Giàng A Nụ
|
Ông Hạnh cho hay, thực hiện bố trí đất ở, đất sản xuất theo Đề án 134 của Chính phủ, năm 2004, tỉnh đã bố trí vốn đầu tư xây dựng khu tái định cư cho người dân thôn Giang Đông (nằm cách trụ sở UBND xã Ea Dăh chừng 200 m). Theo dự án này, mỗi hộ dân được cấp một căn nhà cấp 4 rộng 24 m2 trị giá 10 triệu đồng và 2,5 triệu đồng hỗ trợ công khai hoang đất sản xuất. Chính quyền địa phương còn cấp thêm 2 sào ruộng, 5 sào rẫy/hộ, giúp người dân phát triển kinh tế và thoát khỏi “vũng lầy” ma túy.
Ngoài ra, người dân còn được tạo điều kiện cấp hộ khẩu, làm Chứng minh nhân dân để con cái được đi học... Thế nhưng, người dân thôn Giang Đông chỉ đến khu tái định cư ở một thời gian ngắn, khi tiêu hết tiền Nhà nước hỗ trợ họ lại quay về địa bàn cũ tiếp tục trong vòng luẩn quẩn của ma túy.
Dẫn chúng tôi đi một lượt từ đầu đến cuối khu tái định cư, anh Cao Năm Long, cán bộ văn hóa xã nói: Việc vận động người dân đến khu tái định cư mới ngoài mục tiêu nhằm nâng cao đời sống cho người dân, quan trọng hơn là để “chặt đứt” tệ nạn ma túy. Tuy nhiên, do nhà nào cũng có đông người trong khi nhà ở thì nhỏ hẹp, đất đai được hỗ trợ ít và cằn cỗi, thiếu nước sản xuất nên họ cảm thấy chán nản tìm cách quay về. Thấy dân về, chính quyền xã tiếp tục vận động, tuyên truyền bà con ra lại nhưng bất lực.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc