Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác với tin nhắn nhờ nộp card chuyển tiền

08:25, 21/02/2020

Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng kẻ xấu “chiếm dụng” được số điện thoại di động của ai đó rồi nhắn tin nhờ nạp card chuyển tiền. Tuy thủ đoạn không mới, nhưng nhiều người mất cảnh giác vẫn bị mắc lừa, mất tiền oan.

Mới đây nhất, tối 18-2, anh N.G.N. (TP. Buôn Ma Thuột) nhận được tin nhắn từ số điện thoại của người quen tên C. với nội dung: "Em đang ở đâu, anh có việc muốn nhờ tí được không". Do đang bận và nghĩ anh C. không tiện nghe điện thoại mới nhắn tin nên anh N. nhắn lại đồng ý. Số điện thoại kia liền nhắn lại nhờ anh N. nạp giúp card điện thoại với mệnh giá 50 nghìn đồng. Do đang bận việc nên anh N. phải nhờ bạn khác nạp tiền giúp. Sau khi được thông báo là đã nạp tiền xong, anh N. hỏi lại anh C. đã nhận được chưa thì không thấy trả lời.

Sau khi xong việc, anh N. gọi điện lại để xác minh thì mới biết là anh C. không hề nhờ nạp card điện thoại như trong tin nhắn. Chưa hết, sáng 19-2, anh C. cho biết là trong đêm 18-2 đã có một số người thân, bạn bè của anh cũng nhận được tin nhắn tương tự như anh N. và họ cũng đã chuyển tiền cho anh C.. Thế nhưng khi kiểm tra lại điện thoại, những tin nhắn đó không hề tồn tại. Chỉ khi những người quen chụp lại màn hình điện thoại của họ thì anh C. mới biết nội dung những tin nhắn này.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Trước đó, cô T.T.A.H. (giáo viên một trường THCS trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột) cũng nhận được tin nhắn từ số điện thoại của em gái mình nhờ chuyển gấp một số tiền. Do tin nhắn trên điện thoại hiện tên em gái và bản thân đang bận họp, không tiện gọi điện hỏi nên cô H. đã chuyển tiền như sự nhờ cậy trong tin nhắn. Sau khi họp xong, cô H. gọi điện thoại cho em gái mình để kiểm tra xem số tiền chuyển đã đến tài khoản nhận chưa thì mới biết em gái mình không hề nhắn tin như vậy.

Đây là chiêu thức không mới, bởi trước đây đã từng xuất hiện tình trạng các đối tượng hack tài khoản Facebook, Zalo của người dùng và sau đó tiến hành lừa đảo bạn bè nằm trong danh sách kết bạn của nạn nhân. Thế nhưng việc hack cả số điện thoại để gửi tin nhắn là khá hiếm thấy khiến nhiều người mất cảnh giác.

Theo một cán bộ kỹ thuật của VNPT Đắk Lắk, tình trạng “chiếm dụng” tài khoản Facebook, Zalo để lừa đảo đã được nhiều người cảnh giác nên kẻ xấu đã tinh vi hơn khi hack số điện thoại di động của ai đó rồi nhắn tin nhờ nạp card, chuyển tiền. Các đối tượng sẽ gửi đi hàng loạt tin nhắn vào những số điện thoại trong danh bạ để nhờ nạp card điện thoại hoặc chuyển tiền. Tinh vi hơn là chúng chỉ yêu cầu nạp card mệnh giá nhỏ hoặc nhờ vả giao dịch số tiền không lớn nên khiến nhiều người lầm tưởng là bạn bè, người thân của mình mà không hề hoài nghi khi chuyển mã số nạp thẻ hoặc chuyển tiền cho chúng.

Về giải pháp kỹ thuật, đến nay các nhà mạng cũng chưa thể ngăn chặn được tình trạng này. Bởi như anh C. khi liên hệ với Tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng cũng được trả lời là không hề có tin nhắn xuất phát từ số điện thoại của anh. Vì thế, theo các nhà mạng viễn thông, cách tốt nhất để khỏi bị lừa là khi nhận được tin nhắn yêu cầu chuyển tiền hoặc nạp card điện thoại thì phải gọi lại cho người đã nhắn tin để xác minh hoặc từ chối yêu cầu của người đó khi thấy tin nhắn có dấu hiệu khả nghi.

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.