Multimedia Đọc Báo in

Hướng dẫn người dân kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy tại chung cư

09:19, 10/02/2020

Chung cư Hoàng Anh Gia Lai (TP. Buôn Ma Thuột) có quy mô hơn 6.500 m2 gồm 3 khu, mỗi khu 1 tầng hầm và 18 tầng nổi, có tổng cộng hơn 400 hộ dân với trên 2.000 nhân khẩu đang sinh sống.

Với đặc thù là khu dân cư sống tập trung, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra hỏa hoạn trong quá trình người dân sử dụng lửa, các thiết bị điện, vì vậy bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra phương tiện chữa cháy, phối hợp xây dựng, thực tập phương án chữa cháy cho lực lượng chữa cháy cơ sở, hằng năm Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) đều xây dựng kế hoạch, định kỳ tổ chức các buổi hướng dẫn kỹ năng thoát nạn cho người dân trong tình huống xảy ra cháy.

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy hỗ trợ người dân tiếp đất an toàn trong ống tụt.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy hỗ trợ người dân tiếp đất an toàn trong ống tụt.

Một trong những phương tiện cứu hộ, thoát hiểm không thể thiếu, được lực lượng phòng cháy chữa cháy tỉnh hướng dẫn cặn kẽ, kỹ lưỡng, đảm bảo mọi cư dân đều có thể sử dụng thành thạo đó là sử dụng ống tụt.

Theo đó, từng kỹ thuật, tư thế, động tác xuống ống tụt từ trên cao được cán bộ phòng cháy chữa cháy hướng dẫn chi tiết, cặn kẽ cho từng người dân. Bên cạnh đó, các cư dân còn được học kỹ thuật đu dây thả chậm, một kỹ thuật tương đối khó, đòi hỏi người sử dụng phải bình tĩnh, chính xác từng động tác trong quá trình đu dây, hạ xuống từ trên cao. Còn với phương tiện cứu hộ là phao hơi, các cư dân được hướng dẫn nhảy lần lượt, tránh trường hợp hoảng loạn, dẫm đạp lên nhau. 

Đại úy Nguyễn Ngọc Độ, Đội trưởng Đội công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ) cho biết: “Song song với hướng dẫn lý thuyết, trong quá trình thực hành thực tế, chúng tôi phải chuẩn bị, kiểm tra đầy đủ các trang bị, đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho người dân, không để xảy ra tai nạn đáng tiếc”.

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy hướng dẫn người dân thực hành thoát nạn bằng dây thả chậm.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy hướng dẫn người dân thực hành thoát nạn bằng dây thả chậm.
 

Hiện trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột xuất hiện ngày càng nhiều chung cư, nhà cao tầng, nên việc trang bị kiến thức về phòng cháy chữa cháy và thoát hiểm là hết sức cần thiết. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các buổi tập huấn tại những tòa nhà cao tầng khác để nâng cao ý thức phòng ngừa của người dân, chủ đầu tư trong công tác an toàn phòng cháy chữa”.

 
Đại úy Nguyễn Ngọc Độ, Đội trưởng Đội công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ

Từng tham gia nhiều đợt hướng dẫn kỹ năng thoát nạn do Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tổ chức tại chung cư, anh Nguyễn Phi Hổ chia sẻ: “Ban đầu tham dự thì có cảm giác hồi hộp, tuy nhiên sau vài lần làm quen, tôi đã tự tin có thể sử dụng thành thạo các phương tiện thoát hiểm trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn. Qua tham dự các buổi hướng dẫn, tôi ý thức được đây là những kiến thức, kỹ năng không thể thiếu đối với tất cả cư dân sống ở chung cư”. Từ kinh nghiệm của bản thân, anh đã tuyên truyền gia đình, bạn bè cùng tham dự những buổi hướng dẫn sử dụng các phương tiện, trang thiết bị cứu hộ do Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tổ chức.

Trong quá trình hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cũng lồng ghép, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy chữa cháy, nhắc nhở người dân cần trang bị những phương tiện không thể thiếu như: bình chữa cháy mi ni, mặt nạ chống khói khí độc, dây thả chậm, búa thoát hiểm… và cả những kiến thức cần thiết: giữ bình tĩnh và tuyệt đối không sử dụng thang máy khi xảy ra cháy; khi di chuyển phải cúi thấp người hoặc trườn, bò và dùng khăn có tẩm nước để bịt mũi miệng nhằm tránh hít phải khói gây ngạt…, giúp cư dân nắm rõ những kỹ năng thoát hiểm nhanh chóng và an toàn trong trường hợp xảy ra cháy.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.