Multimedia Đọc Báo in

Mập mờ thông tin tuyển sinh của một cơ sở đào tạo lái xe ô tô

08:55, 22/02/2020

Từ cuối năm 2019 đến nay, trên địa bàn Đắk Lắk xuất hiện các quảng cáo đăng thông tin về tuyển sinh "học lái xe ô tô giá rẻ, nhiều ưu đãi hấp dẫn". Cơ sở đào tạo là Công ty TNHH Tư vấn lái xe an toàn (tỉnh Đồng Nai) – Chi nhánh Đắk Lắk và Công ty TNHH Giáo dục nghề nghiệp Nam Tây Nguyên (tỉnh Đắk Nông) liên kết.

Theo thông tin trên một số tài khoản Facebook, tổng chi phí học lái xe theo chương trình mới mỗi khóa từ 20 - 30 triệu đồng (chương trình cũ chi phí từ 7 - 11 triệu đồng); phải học đủ số buổi, thời gian học kéo dài (chương trình cũ thời gian học lái xe linh hoạt, không bắt buộc đủ số buổi); thi sát hạch sẽ khó hơn (chương trình cũ thi sát hạch đơn giản hơn, chỉ cần học "mẹo")...

Từ đó, cơ sở nói trên quảng cáo mức học phí hết sức hấp dẫn, cụ thể đối với hạng B2 từ mức 9,8 triệu đồng còn 4,9 triệu đồng, hạng C từ 14 triệu đồng còn 8,9 triệu đồng… Cơ sở cam kết học đậu 100%, bằng do Sở Giao thông vận tải cấp (nhưng không ghi rõ do Sở của tỉnh nào?). Địa điểm nhận hồ sơ trên địa bàn Đắk Lắk, rải đều ở tất các huyện, thị xã và TP. Buôn Ma Thuột.

Nơi tiếp nhận hồ sơ học lái xe ô tô tại đường Đinh Tiên Hoàng (TP. Buôn Ma Thuột).
Nơi tiếp nhận hồ sơ học lái xe ô tô tại đường Đinh Tiên Hoàng (TP. Buôn Ma Thuột).

Trong vai người nộp hồ sơ học lái xe, người viết gọi đến số hotline công khai trên các trang Facebook thì được một người tên là T.L (nhân viên của cơ sở) giới thiệu: "Bên em thuộc Trường Nam Tây Nguyên (gần Trường Đại học Tây Nguyên). Địa điểm học lý thuyết sẽ được tổ chức tại số 30 Đinh Tiên Hoàng (TP. Buôn Ma Thuột) – đây là địa điểm tiếp nhận hồ sơ của đơn vị, còn sát hạch tại Trường Nam Tây Nguyên".

Thực tế thì ở gần Trường Đại học Tây Nguyên không có Trường Nam Tây Nguyên đóng trụ sở. Khi chúng tôi tìm đến số 30 Đinh Tiên Hoàng như lời giới thiệu của T.L thì được một nhân viên ở đây cho hay, cơ sở sẽ dạy lý thuyết tại Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi, học thực hành lái xe khu vực phía sau Bến xe liên tỉnh, nhưng không nói rõ tên cơ sở, địa chỉ cụ thể; còn tổ chức thi sát hạch tại Trung tâm sát hạch Việt Mỹ hoặc Vinasme Tây Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột)…

Tuy nhiên qua tìm hiểu, từ tháng 10-2018 cả 2 trung tâm này đều có văn bản trả lời Sở Giao thông vận tải Đắk Nông về việc tạm dừng tiếp nhận kế hoạch tổ chức sát hạch của Sở này từ tháng 11-2018. Như vậy, thông tin học lái xe tại cơ sở này nhưng sát hạch tại 2 trung tâm thuộc tỉnh Đắk Lắk là không có cơ sở.

Trao đổi vấn đề này, ông Trịnh Hữu Kiệm, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải Đắk Lắk) cho biết, việc cơ sở này tuyển sinh ở địa điểm nào là quyền của họ. Tuy nhiên, theo quy định về đào tạo, sát hạch lái xe ô tô tại Khoản 3, Điều 6, Nghị định số 65/2016/NĐ-CP, ngày 1-7-2016 của Chính phủ nêu rõ: “Sân lái xe phải thuộc quyền sử dụng của cơ sở đào tạo lái xe; nếu thuê sân tập lái phải có hợp đồng với thời hạn từ 5 năm trở lên và phải trong cùng mạng lưới quy hoạch cơ sở đào tạo lái xe ô tô”. Do đó, nhân viên của cơ sở giới thiệu sẽ học thực hành lái xe trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột là không có căn cứ.

Ông Trịnh Hữu Kiệm khuyến cáo, để tránh trường hợp mất tiền oan hoặc học lái xe ở cơ sở không uy tín, người dân nên hỏi thông tin ở các phòng tuyển sinh của những cơ sở có địa chỉ rõ ràng để được tư vấn. Hiện tại, Đắk Lắk có 8 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 2 trung tâm sát hạch lái xe ô tô từ loại I đến loại II.

Vào đầu năm 2019, đã có một cơ sở trên đường Phan Chu Trinh, phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) mạo danh Trường Đại học chữa cháy (Bộ Công an) tuyển sinh đào tạo và sát hạch lái xe. Thế nhưng thực tế thì cơ sở này không thực hiện như cam kết ban đầu là đào tạo, sát hạch tại Đắk Lắk do không đáp ứng được các quy định về cơ sở vật chất; hàng trăm người dân trên địa bàn tỉnh đăng ký học ở đây buộc phải đi nhiều tỉnh khác học và thi sát hạch.

Đinh Xuân Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.