Multimedia Đọc Báo in

Vướng mắc trong cử người bào chữa cho đối tượng được trợ giúp pháp lý

08:24, 29/05/2020
Thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Luật Trợ giúp pháp lý 2017 về việc bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý (TGPL) của đối tượng được TGPL trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, thời gian qua, trong hầu hết các vụ án hình sự có đối tượng được TGPL, các cơ quan tố tụng đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Trung tâm) đề nghị cử trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư tham gia bào chữa cho đối tượng từ giai đoạn điều tra.
 
Đặc biệt, đối với các vụ án hình sự thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện, cơ quan tố tụng chỉ đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử người bào chữa cho các đối tượng được TGPL.

Tuy nhiên, trong một số vụ án hình sự thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp tỉnh mà có người bị buộc tội là đối tượng được TGPL, phải chỉ định người bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì Cơ quan điều tra thường yêu cầu cả Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước lẫn Đoàn Luật sư cử người bào chữa cho bị can. Điều đó dẫn đến trường hợp những vụ có cả người bào chữa do Trung tâm và Đoàn Luật sư cùng tham gia bào chữa miễn phí cho cùng một đối tượng trong một vụ án. Ở những vụ án có đông bị can thì số lượng luật sư, trợ giúp viên tham gia khá đông, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước (chi phí trả thù lao hoặc bồi dưỡng cho người bào chữa từ nguồn ngân sách nhà nước). Đơn cử, trong một vụ án mới đây có hơn 10 bị can là đối tượng được TGPL (gồm người dưới 18 tuổi, người nghèo, người dân tộc thiểu số cư trú vùng đặc biệt khó khăn…) bị khởi tố về tội giết người với khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình thì theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, Trung tâm trợ giúp pháp lý và Đoàn Luật sư đồng thời cử người bào chữa cho các bị can, trong đó mỗi bị can đều có cả trợ giúp viên pháp lý và luật sư hỗ trợ khiến số lượng người tham gia rất đông.

Theo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, trong các vụ án đã nói ở trên, việc cơ quan điều tra đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử người bào chữa cho các đối tượng được TGPL đã đảm bảo quyền được bào chữa của các đối tượng theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và trợ giúp pháp lý, bởi căn cứ theo các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý thì năng lực của người bào chữa là trợ giúp viên pháp lý đã tương đương với luật sư. Tuy nhiên, hầu hết cơ quan tố tụng đến nay vẫn chưa đồng tình với quan điểm này vì cho rằng việc yêu cầu cả hai cơ quan cử người bào chữa mới bảo đảm thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự trong vụ án phải chỉ định người bào chữa.

Một phiên tòa xét xử đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Một phiên tòa xét xử đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

 Khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: “Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ: a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi”. Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng quy định về việc yêu cầu cơ quan cử người bào chữa như sau: “Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này: a) Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa; b) Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý; c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình”.

Quy định trên cho thấy, Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 không quy định trực tiếp, cụ thể đối tượng nào thì yêu cầu cơ quan nào cử người bào chữa mà quy định theo phương pháp loại trừ, nghĩa là những đối tượng thuộc diện được TGPL thì do Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước cử người bào chữa; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình và những đối tượng còn lại thì do Đoàn Luật sư cử người bào chữa. Như vậy, pháp luật về tố tụng hình sự đã  quy định khá cụ thể về việc yêu cầu Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước cử người bào chữa cho người thuộc diện được TGPL trong trường hợp phải chỉ định người bào chữa.

Thiết nghĩ, trong trường hợp này, để tiết kiệm nguồn lực của Nhà nước, hạn chế các bất cập trong quá trình giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra chỉ cần đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử người bào chữa cho người thuộc diện được TGPL trong trường hợp phải chỉ định người bào chữa. Trường hợp người thuộc diện được TGPL từ chối trợ giúp viên pháp lý thì các cơ quan tố tụng yêu cầu Đoàn Luật sư cử luật sư thực hiện việc hỗ trợ là đã đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Trần Trung Hiếu

 


Ý kiến bạn đọc