Multimedia Đọc Báo in

Giữ địa bàn "sạch" vũ khí, vật liệu nổ

14:19, 04/07/2020

Học Bác ở tinh thần trách nhiệm trong công việc, hết mình phục vụ nhân dân, Trung úy Y Phước Mlô, Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện Cư M’gar) đã không quản khó nhọc, đến tận các thôn, buôn xa xôi của huyện, tìm cách thuyết phục, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.

Lâu nay trên địa bàn huyện vẫn có tình trạng người dân sử dụng các loại vũ khí, súng hơi tự chế để săn bắn, bảo vệ mùa màng mà không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật.  Khi nhận nhiệm vụ, Trung úy Y Phước phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.  Anh kể, việc sử dụng súng của đồng bào dân tộc thiểu số đã trở thành thói quen, nếu không có biện pháp kiên quyết và khéo léo thì người dân sẽ không tự nguyện giao nộp mà giấu kỹ trong nhà, trên nương rẫy hoặc chỉ nộp một phần báng súng. Do đó, trước hết anh cùng đồng đội rà soát các đối tượng nằm trong diện khả nghi có tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí nguy hiểm, vũ khí tự chế để vận động giao nộp.

Trung úy Y Phước Mlô vận động người dân ở xã Ea H'đing giao nộp vũ khí .
Trung úy Y Phước Mlô vận động người dân ở xã Ea H'đing giao nộp vũ khí .

Thời gian đầu rất khó tiếp cận các hộ gia đình ở vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều người tìm cách lẩn trốn, tránh gặp hoặc một mực khẳng định không có súng trong nhà. Anh vẫn kiên trì, tùy từng trường hợp cụ thể mà có cách làm phù hợp, đánh đúng tâm lý và nhận thức của người dân.

Quyết “soát từng nhà, rà từng người”, có khi anh “nằm vùng” tại buôn cả tuần liền để theo dõi, nắm bắt tình hình. Vốn thông thạo tiếng Êđê và am hiểu về đồng bào mình, anh vừa mềm mỏng, vừa quyết liệt, kiên trì khuyên nhủ, phân tích cho người dân thấy mức độ nguy hiểm, vi phạm pháp luật của việc tàng trữ vũ khí để họ tự nguyện giao nộp. Mặt khác, anh gần gũi, tranh thủ sự ủng hộ của người có uy tín trong buôn để tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu được sự cần thiết của việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.

Song trên thực tế, việc vận động thu hồi vũ khí không dễ dàng tí nào. Y Phước còn nhớ, khi biết thông tin một người đàn ông ở buôn Mông, xã Ea Kuêh đang cất giữ một khẩu súng quân dụng, anh đã nhiều lần đến gặp, tìm hiểu, thuyết phục nhưng không thành, người đàn ông này một mực khẳng định là không tàng trữ vũ khí và cũng từ chối tiếp chuyện. Nhưng kiên định nguyên tắc “kiên quyết, kiên trì, liên tục”, anh vẫn tìm cách bám sát đối tượng để vận động. Lẩn tránh mãi, đến khi giáp mặt thì người này nóng nảy dùng nhiều lời lẽ khó nghe và có hành động đe dọa anh.

Khi biết chính xác đối tượng đang cất giấu súng trong nhà, bằng các biện pháp nghiệp vụ, anh đã phối hợp cùng đồng đội kiên trì vận động, phân tích, kể cả tác động, khống chế…, cuối cùng người đàn ông này đã giao nộp súng.

Vừa mềm mỏng vừa kiên quyết, Trung úy Y Phước đã vận động người dân giao nộp hơn 40 khẩu súng các loại như súng tự chế, súng kíp, súng quân dụng cùng các vật liệu nổ khác...  Anh chia sẻ, hễ khi nào còn tình trạng người dân cất giữ vũ khí trong nhà là khi ấy vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng những người xung quanh. Vì vậy, anh càng quyết tâm phải vận động thu hồi cho bằng được nhằm góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Thiếu tá Bùi Chí Trung, Phó trưởng Công an huyện Cư M'gar nhận xét, vốn nắm chắc địa bàn, hiểu rõ phong tục tập quán của đồng bào cộng với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, Trung úy Y Phước đã không ngại khó khăn, gian khổ, bám sát cơ sở, khéo léo sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để vận động giao nộp phù hợp…  Thời gian qua, việc thực hiện nhiệm vụ này ở đơn vị đạt được nhiều kết quả tích cực, Công an huyện Cư M'gar đã thu giữ được một lượng lớn vũ khí, công cụ hỗ trợ, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, trong đó có đóng góp không nhỏ của Ttrung úy Y Phước.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.