Nhức nhối vi phạm hành lang an toàn lưới điện
Mặc dù ngành điện thường xuyên đưa ra cảnh báo về nguy cơ mất an toàn hành lang lưới điện, song tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến trên địa bàn tỉnh, gây ra nhiều sự cố mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt và tính mạng của người dân.
Nguy cơ mất an toàn cao
Điện lực Đắk Lắk hiện đang quản lý vận hành hơn 4.000 km đường dây trung áp, hơn 10.500 km đường dây hạ áp. Lưới điện trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh, có nhiều tuyến, đoạn đường dây băng qua rừng đặc dụng, núi, đồi… Do đó, bước vào mùa mưa bão, xảy ra nhiều sự cố mất điện do cây cối đổ ngã, va quẹt vào đường dây. 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 18 sự cố do mưa lớn làm cây cối ngã, đổ vào đường dây điện, gây sự cố làm gián đoạn việc cấp điện.
Ngoài nguyên nhân khách quan trên thì còn có nguyên nhân chủ quan, do chính con người gây ra. Theo đánh giá của ngành điện địa phương, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện đang diễn ra phức tạp, nhất là việc các hộ dân thi công công trình vi phạm khoảng cách an toàn. Nếu không có biện pháp can thiệp và xử lý kịp thời thì rất dễ dẫn đến nguy cơ về chập điện, cháy nổ, gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Nhân viên Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột tuyên truyền đơn vị thi công bảo đảm hành lang an toàn lưới điện. |
Đơn cử như ở phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột), nhiều ngôi nhà cao tầng đang thi công ngay sát đường dây điện cao thế đi qua, không bảo đảm khoảng cách an toàn. Thậm chí, trong quá trình xây dựng, đơn vị thi công còn lấn chiếm xây dựng dưới tuyến hành lang của đường dây, gây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về điện. Mới đây nhất, ngày 28-6, trên đường Nguyễn Hồng Ưng, thợ xây dựng trong quá trình thi công công trình nhà ở cao tầng cho ông L.M.T. đã “vô tư” bó đường dây điện cao thế sát cột giàn giáo để... tránh bị đường dây chắn lối thi công. Ngay khi phát hiện vụ việc, Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột đã kịp thời cắt điện khẩn cấp trạm biến áp số MC476 (BMT), dùng sào thao tác để gỡ giàn giáo chạm vào đường dây tại trụ điện số 60. Đồng thời, yêu cầu đơn vị thi công không được đưa các vật tư thiết bị thi công công trình nhà ở lại gần đường dây điện, giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 m. Sự cố may mắn không nguy hiểm đến tính mạng người nhưng đã gây mất điện đường dây, làm gián đoạn hoạt động sản xuất, sinh hoạt của hơn 7.500 khách hàng trong khu vực.
Theo Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột, với đặc thù đường dây trong khu vực đô thị nên tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao thế đang diễn ra đáng báo động. Người dân trưng dụng, lấn chiếm phạm vi của trạm biến áp để kinh doanh, mua bán, treo biển quảng cáo tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Cũng có không ít trường hợp, khi xây dựng các công trình nhà cửa cao tầng, thợ xây dựng “ngang nhiên” bó dây điện cao thế hoặc chống nạnh dây ra xa để “thuận tiện” cho việc xây dựng. Từ đầu năm đến nay, Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột đã kiểm tra phát hiện, nhắc nhở, lập biên bản 8 trường hợp xây dựng trái phép, lắp đặt biển quảng cáo vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Một vài sự cố xảy ra buộc ngành điện phải cắt điện trên diện rộng để xử lý, gây ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng.
Cần sự phối hợp từ phía khách hàng và chính quyền địa phương
Công ty Điện lực Đắk Lắk cho biết, ngành điện địa phương luôn chú trọng công tác an toàn điện, nhất là việc tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người sử dụng điện. Từ đầu năm đến nay Công ty đã in và phát gần 51.000 tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp phát đến các hộ dùng điện trên địa bàn tỉnh; trực tiếp hướng dẫn người dân, cơ sở sản xuất thực hiện các biện pháp an toàn điện nhằm ngăn ngừa rủi ro; thực hiện các đợt kiểm tra định kỳ, đột xuất để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vi phạm.
Một công trình xây dựng thuộc phường Tân An dựng giàn giáo ngay sát đường dây cao thế. |
Cụ thể, Công ty tăng cường kiểm tra, cập nhật tình trạng nhà ở, công trình vi phạm, cây xanh có khả năng ngã đổ trong hành lang an toàn lưới điện cao áp, kịp thời đưa ra những cảnh báo đối với chủ các công trình có nguy cơ vi phạm để họ chủ động khắc phục. Mặt khác, bộ phận quản lý vận hành của Công ty tăng cường tần suất kiểm tra kỹ thuật đường dây và bố trí nhân lực chặt tỉa cây trong, ngoài hành lang có nguy cơ vi phạm khoảng cách, ngã đổ vào đường dây. Ngành Điện cũng tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan để kịp thời ngăn chặn và giải quyết các trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc giải quyết dứt điểm các vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Tạ Minh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk, một số chủ sở hữu các công trình nhà ở, cây trồng nằm dưới các tuyến hành lang vẫn chưa thực sự hợp tác với ngành điện trong công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện. Với cây xanh có nguy cơ ngã đổ, việc xử lý chỉ dừng lại ở mức độ rong tỉa cành hằng tháng nhằm hạn chế sự cố, còn việc chặt hạ vẫn chưa thể thực hiện do các cây này có giá trị kinh tế cao, chưa thỏa thuận được giá cả đền bù ... Vì vậy, trước mắt, Công ty tập trung xử lý các điểm mất an toàn, thực hiện cải tạo lưới điện, thay một số đoạn dây trần bằng dây bọc cũng như điều chỉnh tuyến đường dây cho phù hợp để giảm thiểu vi phạm.
Năm 2020 được ngành điện chọn là Năm An toàn lao động nên đơn vị tăng cường các giải pháp tuyên truyền bên ngoài cộng đồng để bảo đảm cấp điện an toàn, ổn định cho khách hàng. Tuy vậy, về lâu dài, ngành điện địa phương rất cần sự đồng thuận, phối hợp từ phía khách hàng và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để giảm thiểu sự cố lưới điện cũng như bảo đảm an toàn cho người dân.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 60 trường hợp nhà cửa, công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện và 453 vị trí cây cối có nguy cơ ngã, đổ vào hành lang. Những trường hợp vi phạm tập trung chủ yếu ở TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, thị xã Buôn Hồ... |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc