Xử lý hành vi xuất nhập cảnh trái phép: Cần quyết liệt và cứng rắn hơn
11:53, 16/08/2020
Trong xu hướng hội nhập và tăng cường hợp tác, giao lưu như hiện nay, hoạt động xuất cảnh và nhập cảnh (sau đây gọi chung là xuất nhập cảnh) ngày càng diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, đây là hoạt động có thể gây ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nếu không được quản lý, kiểm soát một cách chặt chẽ.
Pháp luật Việt Nam hiện hành đã có những quy định cụ thể nhằm xử lý hành vi vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là những quy định này đã đủ sức răn đe và thực sự rõ ràng để thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện trên thực tế hay chưa?
Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài tới 4.639 km, với 25 tỉnh, 103 huyện, thị xã, thành phố và 435 xã, phường, thị trấn có đường biên giới trên đất liền giáp với Trung Quốc ở phía Bắc, Lào và Campuchia ở phía Tây; trên biển giáp với vịnh Thái Lan ở phía Tây Nam, vịnh Bắc Bộ và biển Đông ở phía Đông. Có thể thấy, với đường biên giới dài và đi qua nhiều tỉnh thành, việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi các quy định pháp luật về xuất nhập cảnh là điều không hề dễ dàng.
Thời gian gần đây, trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, nhiều người nước ngoài và người Việt Nam đang sống và lao động ở nước ngoài đã tìm mọi cách nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, Bộ đội Biên phòng nước ta đã ngăn chặn trên 16.000 người nhập cảnh trái phép; khởi tố 30 vụ án với 70 người liên quan (theo số liệu đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Bộ Quốc phòng ngày 31-7-2020). Đây là con số không hề nhỏ và ảnh hướng lớn đến công tác phòng, chống dịch bệnh ở nước ta.
Về cơ sở pháp lý, việc xử lý hành vi xuất nhập cảnh trái phép được quy định tại: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh hướng dẫn người dân các thủ tục cấp hộ chiếu. Ảnh: Duy Tiến |
Cụ thể hơn, Điều 4 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi “Xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tổ chức, môi giới, giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục theo quy định”.
Về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trên, Điều 17 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền cao nhất lên đến 40.000.000 đồng, đồng thời có thể kèm theo hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.
Về xử lý hình sự, tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh được quy định tại Điều 347 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau: “Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Nghiêm trọng hơn, đối với tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, Điều 348 quy định mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù giam và còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Tuy nhiên, có thể thấy một trong những nguyên nhân khiến tình trạng xuất nhập cảnh trái phép diễn ra nhiều ở nước ta là do chế tài xử phạt chưa thật sự cứng rắn. Việc chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với những người vi phạm lần đầu về hành vi “Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định” đã khiến nhiều người nghĩ rằng chỉ một lần thôi thì sẽ không sao cả.
Và với mức phạt tiền chỉ vài chục triệu đồng như quy định hiện hành thì không ít người sẽ cố tình vi phạm, xác định nếu bị phát hiện thì cũng chỉ mất một số tiền. Bên cạnh đó, không thể không lưu tâm đến các đường dây tổ chức, môi giới cho người khác xuất nhập cảnh trái phép với các hành vi, thủ đoạn tinh vi hơn và số lượng người vi phạm cũng nhiều hơn.
Trong bối cảnh đó, sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ nhằm xử lý sớm các vụ móc nối đưa người nước ngoài vào Việt Nam, xét xử nhanh, thông tin rộng rãi trong nhân dân, điều tra đường dây đưa người bất hợp pháp để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật như vừa qua là hết sức cần thiết, vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, vừa tuyên truyền cho người dân ý thức được hành vi xuất nhập cảnh trái phép sẽ phải bị xử lý nghiêm khắc, từ đó góp phần ngăn ngừa và nâng cao nhận thức trong nhân dân.
Thiết nghĩ, bên cạnh việc đề ra các chế tài mang tính răn đe hơn thì công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực xuất nhập cảnh cũng phải được tiến hành một cách chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu trước mắt nhằm hạn chế và ngăn chặn kịp thời các hành vi xuất nhập cảnh trái phép trong thời gian tới, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại như hiện nay.
Ths.Đặng Công Nhật Thuận
Học viện Chính trị khu vực III
Ý kiến bạn đọc