Multimedia Đọc Báo in

Chuyện nghề cảnh sát giao thông và tôi

08:08, 29/09/2020

Tôi trở lại căn nhà cấp 4 của vợ chồng anh Xạ, chị Hoa ở xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk – cả hai cùng mất trong một vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng xảy ra vào năm 2018 nhưng đón tôi chỉ là cánh cổng đóng chặt, khóa đã bắt đầu bị hoen rỉ.

Tôi sang hàng xóm hỏi thăm thì được biết, 3 đứa con của anh chị đã gửi cho họ hàng, mỗi người nuôi một cháu. Bất giác, một cảm giác xót xa trào dâng, bởi cũng như các em, sau vụ tai nạn giao thông xảy ra với mẹ tôi, tôi cũng buộc phải rời quê hương Hà Tĩnh vào tận miền Nam sống cùng cậu ruột.

Giây phút nhìn thấy mẹ với gương mặt biến dạng, một mắt đã bị đâm thủng, mắt còn lại lồi hẳn ra ngoài, máu tươi trong người cứ ộc từng đợt, chân tay gãy nát do bị người lái xe tải phóng nhanh, vượt ẩu đâm trúng, tôi tự nhủ: “Nhất định mình phải trở thành một chiến sĩ cảnh sát giao thông, góp phần giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông”. Và rồi 10 năm qua, ước mơ đã được hiện thực hóa và qua từng ngày công tác đam mê, tôi càng trân trọng và thấu hiểu hơn những vất vả, khó khăn, gian khổ và cả những vui, buồn, hy sinh thầm lặng của nghề Cảnh sát giao thông.

1. Đêm khuya ngày 17-5-2012, một vụ tai nạn thảm khốc  xảy ra tại cầu 14 – ranh giới giữa hai tỉnh Đắk Lắk – Đắk Nông, khiến 34 người vĩnh viễn ra đi, 21 người phải mang thương tật suốt đời. Đó là nỗi ám ảnh với nhiều người, trong đó có tôi – một chiến sĩ cảnh sát giao thông khi ấy mới chân ướt chân ráo vào nghề. Khi tôi cùng các đồng đội đến được mép sông – nơi chiếc xe đang cắm đầu xuống, tôi bàng hoàng khi thấy nhiều cánh tay đầy máu thò ra cửa kính kèm theo những tiếng rên rỉ cầu cứu, tiếng trẻ con khóc ngằn ngặt trong xe,… Những đồng đội của tôi, người căng mình phân luồng, điều tiết giao thông; người thì cùng người dân phá cửa kính xe để đưa nạn nhân ra ngoài; người vội vàng ghi chép lại lời của những nhân chứng; người đánh dấu các dấu vết trên đường,… Tất cả chúng tôi đã trải qua một đêm thức trắng. Gần sáng, tôi mới thấy các đồng đội của mình ai nấy quần áo bê bết bùn đất, mồ hôi, nhiều người màu áo ngành gần như thấm đỏ máu. Tôi đã chụp được những bức hình ghi lại những khoảnh khắc đau thương mà lần đầu tiên và tôi cũng mong là lần duy nhất mình phải chứng kiến.

Thượng úy Nguyễn Duy (bìa trái) - người trực tiếp đuổi bắt đối tượng vận chuyển 200 kg  ma túy đá và tang vật.
Thượng úy Nguyễn Duy (bìa trái) - người trực tiếp đuổi bắt đối tượng vận chuyển 200 kg ma túy đá và tang vật.

2. Giao thừa năm đó, tôi cùng đồng nghiệp trong tổ đi khắp các ngả đường ghi lại hình ảnh các đồng chí của mình, người chăng dây, cọc để ngăn không cho phương tiện đi vào quảng trường TP. Buôn Ma Thuột – nơi tổ chức bắn pháo hoa; người thì mặc thường phục hòa vào dòng người để kịp thời phát hiện những thanh niên lạng lách, đánh võng, chạy tốc độ cao trên đường; người lại soi đèn để khám nghiệm hiện trường một vụ tai nạn giao thông vừa xảy ra. Càng gần đến giao thừa, dòng người và phương tiện đổ về các khu vực trung tâm càng đông, nhiều đoạn đường bị ùn tắc, anh em chúng tôi dù đã gần 7 tiếng phải liên tục căng mình chạy tới, chạy lui để phân luồng phương tiện. Khi mọi người háo hức với những màn pháo hoa rực rỡ chào đón năm mới, những đồng nghiệp của tôi vẫn không ngừng quan sát làm tròn nhiệm vụ. Mãi đến 2 giờ sáng, chúng tôi mới trở về đơn vị, ăn vội chiếc bánh mì đã nguội, rồi lại tiếp tục tiến hành ghi lại đặc điểm của những chiếc xe không phanh, không hộp số, đã được đôn sên, xoáy nòng, … của những thanh niên quá khích, chạy tốc độ cao, tụ tập chuẩn bị đua xe, để các đồng chí khác lập biên bản. Anh em chúng tôi thường đùa nhau, ở nhà không bao giờ phải lo tìm người xông đất ngày mồng 1 Tết vì năm nào chúng tôi cũng trở về nhà vào lúc 3, 4 giờ sáng.

Mỗi khi có người hỏi tôi: Sao lại chọn làm Cảnh sát giao thông mà lại là công việc tuyên truyền cho khổ vậy, suốt ngày phải đi sớm, về khuya? … , tôi chỉ cười và trả lời ngắn gọn: “Đó là ước mơ cháy bỏng và là đam mê của em”.

3. Công việc tuyên truyền trong lực lượng cảnh sát giao thông của chúng tôi vất vả nhưng cũng có nhiều niềm hạnh phúc. Đó là niềm vui từ những tiếng cười giòn tan của các em học sinh khi tham gia trò chơi vận động về chủ đề an toàn giao thông do tôi sáng tạo; là những gương mặt háo hức, chăm chú của những thanh niên khi xem các clip tình huống về an toàn giao thông do anh em chúng tôi tự làm đạo diễn, diễn viên; là cái bắt tay cảm ơn rối rít của một người lái xe giữa thủ đô tấp nập, anh nói tháng trước khi chạy xe qua tỉnh Đắk Lắk, nhờ được tôi phát tờ rơi về những “điểm đen” mất an toàn, nên đã tránh được tai nạn giao thông suýt nữa xảy ra khi đi qua một “điểm đen” trên Quốc lộ 14. Ấy còn là những buổi tuyên truyền có rất đông bà con đến tham dự, là những bình luận rôm rả về hình ảnh vi phạm của những người dân trong chính thôn, buôn của mình được chúng tôi ghi hình lại trước đó... Những giây phút ấy, câu chuyện như thế dường như đã giúp tôi và đồng nghiệp vơi đi cái mệt mỏi của việc vừa hết giờ làm buổi chiều, vội vã gửi con để rồi vượt hàng trăm cây số trên những con đường cong cua, dốc đứng, mù mịt đất đỏ vào mùa khô, lầy lội trơn trượt vào mùa mưa đến những vùng sâu vùng xa tuyên truyền an toàn giao thông và khi về đến nhà thì đã quá nửa đêm.

Chiến sĩ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ điều tiết giao thông và giúp người già qua đường.
Chiến sĩ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ điều tiết giao thông và giúp người già qua đường.

4.Khi tôi đang viết bài này thì có tin nhắn của Nguyễn Duy Hiệp – một người đồng nghiệp. Hiệp vui mừng thông báo sang tuần sẽ được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho vụ phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển 200kg ma túy đá xuyên quốc gia - vụ vận chuyển ma túy lớn nhất từ trước đến nay ở Tây Nguyên. Nhớ lại vẻ mặt quả quyết của Hiệp khi tôi hỏi em: Một mình chạy bộ truy đuổi đối tượng gần 4 km, rồi vật lộn khống chế mà em không sợ bị đối tượng bắn à? Em trả lời dõng dạc: Lúc đó em chỉ nghĩ đã phát hiện được đối tượng phạm pháp thì sẵn sàng bất chấp tất cả để bắt giữ bằng được!". Bỗng nhiên, tôi thấy nhớ gương mặt rám nắng, dáng người xiêu vẹo với những bước chân tập tễnh của Phát - vốn là một chiến sĩ lành lặn, đã trở thành bệnh binh sau một vụ bắt nhóm thanh niên tụ tập, chạy tốc độ cao bỏ chạy. Cũng trong một số vụ chống người thi hành công vụ khác, các đồng chí như Y Chiến, Trung, Tính,… người bị chấn thương sọ não, người bị biến dạng khuôn mặt do bị người vi phạm cố tình chạy xe tông thẳng. Những người đồng nghiệp của tôi, bằng nhiều việc làm nhỏ đã để lại tình cảm và ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân. Đó là câu chuyện một đồng chí trong lúc tuần tra, khi biết một cụ già vi phạm có hoàn cảnh nghèo khó, chạy quá tốc độ vì vội lên chăm con vừa nhập viện cấp cứu đã nhắc nhở và biếu cụ một triệu đồng để lo viện phí cho con; là những cán bộ phô tô hộ giấy tờ, tận tình hướng dẫn người dân khi làm các thủ tục cần thiết.

Tình cảm ấm áp của tôi và những người đồng nghiệp trong ngôi nhà chung của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Lắk thật vô cùng trân quý. Không biết tự bao giờ chúng tôi đã trở thành những người thân trong gia đình. Họ như là những người cha, người chú, người anh, người chị, người bạn đã luôn truyền lửa, tiếp thêm cho tôi niềm đam mê, nhiệt huyết cống hiến. Cảm ơn những người thân yêu trong gia đình đã luôn đồng hành, chia sẻ, là điểm tựa hậu phương vững chắc để giúp chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thật tự hào được khoác trên mình bộ trang phục ngành cảnh sát giao thông, được làm “sắc nắng” để những tuyến đường thêm bình yên…

Trần Thị Thúy Hằng

(Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Đắk Lắk)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.