Những khoản trợ cấp và hỗ trợ cho người lao động thất nghiệp
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến giữa năm 2020, Việt Nam có khoảng 31 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có có 897.500 người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam được đánh giá là cao nhất trong 10 năm qua, đặc biệt ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn thấp.
Mất việc làm khiến đời sống của người lao động vốn vất vả lại càng trở nên chật vật hơn. Hơn bao giờ hết, họ đang trông chờ vào những khoản trợ cấp và hỗ trợ - “chiếc phao cứu sinh” có thể giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Về cơ sở pháp lý, Bộ luật Lao động năm 2013, Luật Việc làm năm 2013 và các văn bản dưới luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định vấn đề này như sau:
Trợ cấp thôi việc
Căn cứ Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2013 và Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 Điều 36. Bên cạnh đó, trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì bất cứ lý do gì (Điều 38) thì cũng phải chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động.
Theo hướng dẫn của Nghị định số 148/2018/NĐ-CP, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trước đó (nếu có).
Trợ cấp mất việc làm
Căn cứ Điều 49 Bộ luật Lao động năm 2013 và Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã. Ngoài ra, trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì bất cứ lý do gì (Điều 38) thì cũng phải chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động.
Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Buôn Ma Thuột (bìa trái) chi trả trợ cấp cho người dân trên địa bàn phường Tân Thành. Ảnh minh họa: Quỳnh Anh |
Theo hướng dẫn của Nghị định số 148/2018/NĐ-CP, thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trước đó (nếu có).
Trợ cấp thất nghiệp
Theo quy định của Luật Việc làm năm 2013, người lao động thất nghiệp đảm bảo các điều kiện luật định được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian tối thiểu 3 tháng và tối đa 12 tháng. Điều kiện để được hưởng trợ cấp thất nghiệp (Điều 49) bao gồm:
- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái luật; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động xác định và không xác định thời hạn; từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3-12 tháng.
- Đã đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp tại Trung tâm dịch vụ việc làm.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.
Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về viên chức (Điều 45 Luật Việc làm năm 2013). Ngoài việc được nhận một khoản tiền trợ cấp, người lao động còn có thể được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; học nghề và đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.
Hỗ trợ của Chính phủ
Ngày 24-4-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Căn cứ Điều 5 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người lao động có giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trước thời điểm ngày 1-4-2020 và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1-4-2020 đến hết ngày 15-6-2020 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định; không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là một trong những đối tượng được nhận tiền hỗ trợ.
Theo quy định này, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4-2020.
Tiếp theo đó, ngày 4-8-2020, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành trình phương án hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lần 2 để phục vụ kịp thời cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, người lao động, người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra. Ước tính sơ bộ khả năng thực hiện gói hỗ trợ lần 2 là khoảng 70 - 90 nghìn tỷ đồng, với thời gian hỗ trợ từ tháng 9 đến tháng 12-2020.
Đặng Công Nhật Thuận
Ý kiến bạn đọc