Multimedia Đọc Báo in

Vì sự bình yên của buôn làng

16:31, 07/09/2020
Từ năm 2019 đến nay, Công an huyện Krông Bông đã vận động, thu gom được 76 súng tự chế, 5 súng quân dụng, 1 khẩu K54, 2 khẩu K59, 1 khẩu K63, 1 khẩu US Carbin, 4 gậy khúc, 1 quả lựu đạn, 16 viên đạn.

Đại tá Nguyễn Quang Trung, Trưởng Công an huyện Krông Bông cho biết, là vùng căn cứ kháng chiến, một số vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong chiến tranh còn sót lại được bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn giữ lại dùng, hoặc chế tạo các loại súng tự chế để săn bắn, thường cất giấu ở rẫy, ở rừng nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự.

Đơn cử, ngày 21-6-2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Krông Bông đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Y Tâm Kuan ở buôn Blum (xã Ea Trul) 2 triệu đồng về hành vi không giao nộp vũ khí theo quy định. Theo đó, ngày 6-4-2019 trong lúc đi rừng về, Y Tâm nhặt được một khẩu súng tự chế tại một hang đá ở Vườn quốc gia Chư Yang Sin rồi đem về cất trong chuồng gà với ý định dùng đi săn. Ngày 13-4-2019, hai con của Y Tâm là Y Viêng Niê và Y Danh Niê phát hiện ra khẩu súng nên lấy ra chơi; vô tình Y Viêng chạm vào bộ phận cò súng làm đạn nổ trúng đầu Y Danh. Dù được người dân nhanh chóng đưa đi cấp cứu nhưng Y Danh đã mất trước khi đến bệnh viện.

Tổ công tác của Công an huyện Krông Bông đến tận chòi rẫy ông Sùng Seo Măng (thôn Ea Bar,  xã Cư Pui) tuyên truyền, vận động không cất giữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ.
Tổ công tác của Công an huyện Krông Bông đến tận chòi rẫy ông Sùng Seo Măng (thôn Ea Bar, xã Cư Pui) tuyên truyền, vận động không cất giữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ.

Trước những hệ lụy của việc tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, Công an huyện Krông Bông đã tham mưu cấp ủy, UBND huyện tăng cường công tác quản lý, vận động, thu hồi, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, pháo nổ. Trong đó, tập trung rà soát trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các địa bàn phức tạp về an ninh trật tự; các đối tượng có biểu hiện nghi vấn tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép.

Ngoài tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, kết hợp hoạt động “Hướng về cơ sở” làm chứng minh nhân dân ở các thôn, buôn , Công an huyện đã phân công Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cùng Đoàn cơ sở Công an huyện phối hợp với chính quyền địa phương các xã phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, phát huy vai trò của cán bộ cơ sở như trưởng công an xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn, công an viên và người có uy tín trong cộng đồng dân cư để thành lập các tổ công tác đi đến các rẫy, chòi, lán trại… của người dân ở các vùng hẻo lánh để tuyên truyền cho từng người, từng hộ dân.

Thiếu tá H Hương AĐrơng, Đội Phó Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội chia sẻ, mỗi ngày cán bộ, chiến sĩ của đơn vị tiếp nhiều công dân đến đăng ký quản lý nhân hộ khẩu, cấp và quản lý chứng minh nhân dân, quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện…, nhưng đến cuối tuần, Đội lại thành lập các tổ công tác xuống cơ sở cùng với cán bộ địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động bà con. Có nhiều ngày các tổ công tác trở về “tay không” vì nhiều trường hợp khi được cán bộ xã, người uy tín trong cộng đồng giải thích nhưng vẫn cố tình không hiểu, mang vũ khí, vật liệu nổ cất giấu nơi khác....

Anh Vàng Văn Páo (giữa) ở xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) tự nguyện nộp lại vũ khí cho công an. (Ảnh: Công an huyện Krông Bông cung cấp)
Anh Vàng Văn Páo (giữa) ở xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) tự nguyện nộp lại vũ khí cho công an. (Ảnh: Công an huyện Krông Bông cung cấp)

Cùng với đó, Công an huyện Krông Bông còn triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh ngăn chặn hoạt động mua bán, vận chuyển liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, pháo nổ. Từ đầu năm 2019 đến nay, đã phát hiện, xử lý 9 vụ, 10 đối tượng, phạt hành chính tổng số tiền 21 triệu đồng; trong đó có 1 vụ, 1 đối tượng mua bán linh kiện (2 ống kim loại dùng làm nòng súng) chế tạo súng qua dịch vụ chuyển phát nhanh (COD).  “Hiện tình trạng cất giữ, chế tạo, sử dụng trái phép vũ khí và vật liệu nổ, pháo nổ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện đã giảm, nhưng để phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tự giác của nhân dân trong việc chấp hành, giao nộp, cũng như cung cấp những thông tin liên quan... Đặc biệt cần thêm chế tài xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm”, đại tá Nguyễn Quang Trung, Trưởng Công an huyện trăn trở.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.