Cẩn trọng với bẫy lừa đảo từ các ứng dụng mua sắm hoàn tiền biến tướng
Gần đây, những ứng dụng (app) mua sắm hoàn tiền với lời hứa hẹn mang đến ưu đãi “khủng” dành cho nhà đầu tư đã lôi kéo được rất nhiều người tham gia mỗi ngày.
Mới đây nhất, ứng dụng với câu quảng cáo “Giật đơn hàng, kiếm tiền triệu” có tên Tài Lộc 888 đang lan truyền với tốc độ rất nhanh trên mạng Internet khiến nhiều người tin tưởng nạp tiền đã bị “sập bẫy”. Sự việc này đang dấy lên nhiều lo ngại về một hình thức “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mới trên không gian mạng.
Theo quảng cáo của ứng dụng mua sắm hoàn tiền Tài Lộc 888, chỉ cần vốn đầu tư tối thiểu 300.000 đồng nạp vào tài khoản ảo trên ứng dụng là đã có thể được duyệt đơn và chính thức tham gia đầu tư. Để đầu tư, khách hàng chỉ cần vào app “Tài Lộc 888” nhấp duyệt đơn để tăng giá trị sản phẩm và sẽ nhận được chiết khấu lãi suất trực tiếp từ các đơn hàng. Lãi suất sẽ được duyệt như sau: Tiki: 0,25%; Shopee: 0,30%; Lazada: 0,35%; Am-azon: 0,4%. Như vậy, nếu đầu tư 1 triệu đồng/ngày vào Tiki, Shopee, Lazada, Amazon thì tiền lãi được nhận về lần lượt là 25, 30, 35 và 40 nghìn đồng. Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều người, từ ngày 20-9 đã không tìm thấy website: Tailoc888.com và app Tài Lộc 888 nữa. Điều này đồng nghĩa với việc những khoản tiền đầu tư của họ đã không cánh mà bay. Đáng lo ngại hơn là không chỉ có một mà đã và đang tồn tại rất nhiều website hay ứng dụng có hình thức tương tự khiến nhiều người “sập bẫy” như: Nasdaq666.com, tienvien-tienve.com, Ola City, Chuonchuon, Golddigger… Sau “chiến dịch” thu hút nhiều người tham gia, các app này tự khắc “mất tích”.
Ảnh chụp qua màn hình VTV1. |
Có thể nhận định, đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, cụ thể là “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Mặc dù vẫn chưa thống kê chính xác được số tiền bị lừa đảo nhưng với việc thực hiện một cách có tổ chức và với số lượng nạn nhân rất đông, trong đó có người đầu tư cả tỷ đồng thì những cá nhân thực hiện hành vi này có khả năng đối mặt với khung hình phạt cao nhất từ 12 - 20 năm tù hoặc tù chung thân. Những nạn nhân của hình thức lừa đảo này cần bình tĩnh, tới ngân hàng in sao kê để thống kê rõ thông tin người nhận chuyển khoản, số tài khoản, ngân hàng của các giao dịch nạp tiền trước đó để hoàn thiện hồ sơ tố cáo gửi cơ quan công an trong thời gian sớm nhất.
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cũng đã đưa ra cảnh báo về việc người tiêu dùng không nên tham gia đầu tư, phát triển hệ thống tại những trang web hoặc ứng dụng thương mại điện tử có tên “Tiêu dùng hoàn tiền”, “Mua sắm hoàn tiền” (cashback) để tránh bị lừa đảo do có nhiều dấu hiệu biến tướng, sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp trái phép.
Từ khi mạng Internet và đặc biệt là mạng xã hội phát triển, hành vi lừa đảo trên không gian mạng ngày càng đa dạng và tinh vi hơn. Đa số các hình thức lừa đảo này đều đánh vào lòng tham, tính hiếu kỳ, sự nhẹ dạ cả tin hoặc thiếu hiểu biết của chính những nạn nhân. Bên cạnh đó, có thể nhận thấy khâu quản lý của các cơ quan chuyên môn về lĩnh vực này vẫn còn chưa thực sự chặt chẽ, vì vậy các đối tượng mới có thể lợi dụng để thực hiện những hành vi lừa đảo như trên. Hy vọng trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền sẽ có những giải pháp, biện pháp cứng rắn hơn để kiểm soát, loại bỏ được vấn nạn này, giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người dân.
Đặng Công Nhật Thuận
Ý kiến bạn đọc