Multimedia Đọc Báo in

Mạnh tay xử lý xe hợp đồng trá hình

08:52, 09/11/2020

Trên địa bàn tỉnh có nhiều xe “gắn mác” xe hợp đồng nhưng thực chất hoạt động như xe tuyến cố định, thêm vào đó lại đón, trả khách không đúng nơi quy định gây lộn xộn trong hoạt động vận tải, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Xe hợp đồng… không có hợp đồng!

Sáng 5-11, hai tổ công tác của Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) tiến hành tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hoạt động vận tải khu vực nội thành Buôn Ma Thuột.

Khoảng 9 giờ, tại khu vực Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột các loại xe dán mác hợp đồng đậu, đỗ, đón, trả khách vào, ra liên tục.

Kiểm tra xe ô tô BKS 49B-000.65 loại 29 chỗ ngồi của nhà xe Quân Vi (thuộc HTX Dịch vụ vận tải Di Linh), được Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cấp phù hiệu “Xe hợp đồng”, hiệu lực đến 2-10-2026, khi tổ công tác yêu cầu kiểm tra các giấy tờ liên quan, tài xế điều khiển phương tiện không xuất trình được hợp đồng đón, trả khách theo quy định. Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm lỗi “Điều khiển xe hành khách hợp đồng nhưng không có hợp đồng vận chuyển theo quy định”.

Tổ công tác của Thanh tra Sở Giao thông vận tải lập biên bản xử lý một trường hợp vi phạm.
Tổ công tác của Thanh tra Sở Giao thông vận tải lập biên bản xử lý một trường hợp vi phạm.

Cũng tại Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột, hai tổ công tác của Thanh tra Sở kiểm tra xe Limousine BKS 51B-233.47 đang đậu tại khu vực đậu xe của Cảng.

Khi yêu cầu xuất trình các giấy tờ liên quan, tài xế chống chế với lý do xe chở người nhà. Tổ công tác xác minh qua Bộ phận quản lý an ninh sân bay thì được biết xe này thường xuyên ra, vào khu vực sân bay để đón, trả khách. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện hợp đồng vận chuyển, đại diện bên A do ông Lê Văn Cường (HTX Du lịch – Vận tải – Thương mại Thái Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh), còn đại diện bên B bỏ trống tất cả các mục: người đại diện, địa chỉ, mã số thuế, số điện thoại…

Ở mục thời gian và địa điểm ghi rõ: đi từ 9 giờ 0 phút, ngày 5-11-2020 tại Sân bay Buôn Ma Thuột; điểm đến tại Bến xe tỉnh Đắk Nông, tổng giá trị hợp đồng 700.000 đồng. Kèm theo bản hợp đồng này là bản danh sách hành khách để trống, không có tên khách; không có tên, chữ ký của bên thuê dịch vụ vận tải theo quy định. Qua đối chiếu quy định tại Điểm h, Khoản, 5 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngày 30-12-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tổ công tác đã lập biên bản vi phạm lỗi “điều khiển xe vận chuyển khách theo hợp đồng không có danh sách hành khách”.

Tuyệt đối không bỏ qua vi phạm trong tuần tra, kiểm soát

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 2 (Thanh tra Sở GTVT) cho biết, tình trạng xe đậu, đỗ, đón, trả khách và xe hợp đồng trá hình hoạt động diễn biến phức tạp trong thời gian qua. Trước thực trạng đó, thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Bộ GTVT tại Công văn số 762/TTr-CN, ngày 8-10-2020, Thanh tra Sở đã lập kế hoạch tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng trong thời gian 1 tháng (từ ngày 1-11 đến hết 30-11-2020).

Qua theo dõi, nắm bắt tình hình, khu vực Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk… là những địa điểm các loại xe "dù", xe hợp đồng trá hình thường xuyên tổ chức hoạt động đón, trả khách. Do đó, lực lượng thanh tra sẽ tăng cường kiểm tra ở những khu vực “nóng” này để phát hiện, xử lý vi phạm.

Lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải kiểm tra một xe hợp đồng đậu đỗ tại khu vực  Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột.
Lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải kiểm tra một xe hợp đồng đậu đỗ tại khu vực Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột.

Cùng với đó, trong tháng cao điểm lực lượng thanh tra phối hợp thường xuyên với Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột tiếp tục xử lý xe đón, trả khách sai quy định tại đây; phối hợp với Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT) để kiểm tra, xác minh việc thông báo hợp đồng, thực hiện quy trình của phương tiện…

Những ngày đầu ra quân cho thấy, các lỗi vi phạm chủ yếu: xe đậu, đỗ, đón, trả khách không đúng quy định; xe hợp đồng nhưng không có hợp đồng vận chuyển; không có danh sách hành khách; chở người không có tên trong danh sách hành khách; hợp đồng vận chuyển không đúng quy định…Thực tế hiện nay, lực lượng thanh tra giao thông rất mỏng, thiếu phương tiện, đặc biệt thẩm quyền hạn chế (không có chức năng dừng xe đang chạy, chỉ được xử lý vi phạm tĩnh). Do vậy phải có hình ảnh cụ thể tại thời điểm xảy ra vi phạm của lái xe mới có cơ sở để kiểm tra, xử lý. 

Từ đầu năm 2020 đến nay, Thanh tra Sở GTVT đã xử lý hơn 60 trường hợp vi phạm về hoạt động vận tải hành khách, với các lỗi chủ yếu như: đón, trả khách không đúng địa điểm, xe hợp đồng trá hình, xe không gắn phù hiệu…, qua đó xử phạt hơn 150 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, sau đợt cao điểm này, lực lượng thanh tra tiếp tục tăng cường xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa theo chỉ đạo của bộ, ngành, địa phương. Qua đó phát hiện, xử lý kịp thời các yếu tố gây mất trật tự an toàn giao thông, tuyệt đối không bỏ qua vi phạm trong quá trình tuần tra, kiểm soát. Tuy nhiên, để công tác xử lý vi phạm đạt hiệu quả cao, thời gian tới đơn vị đề nghị Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát để xử lý nghiêm lái xe, nhà xe vi phạm, từng bước lập lại trật tự vận tải trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch giữa các loại hình kinh doanh vận tải đường bộ.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.