Multimedia Đọc Báo in

Xe ô tô chở khách đưa đón học sinh có phù hiệu không đúng quy định: Tạm dừng tham gia giao thông để bổ sung giấy tờ theo quy định

08:35, 02/11/2020

Báo Đắk Lắk số 6466, xuất bản ngày 30-10-2020, ở trang 8 mục “Những điều trông thấy” có bài viết “Xe ô tô chở khách đưa đón học sinh có phù hiệu không đúng quy định”, nội dung phản ánh ý kiến của người dân thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng) về việc thời gian gần đây trên địa bàn có một chiếc xe ô tô chở khách thường xuyên đưa, đón học sinh đến trường nhưng phù hiệu xe chạy hợp đồng dịch vụ không đúng quy định.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chiếc xe ô tô khách 29 chỗ ngồi nhãn hiệu Huyndai Country, mang BKS: 51B-058.12 chở học sinh lưu thông trên Tỉnh lộ 3 từ thôn Bình Minh đến Trường Tiểu học - THCS Quang Trung (thị trấn Krông Năng) trước đây thuộc sở hữu của Hợp tác xã Vận tải - Dịch vụ và Du lịch Đại Nam (trụ sở quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh), được Sở Giao thông - Vận tải TP. Hồ Chí Minh cấp phù hiệu “Xe hợp đồng”.

Ông Phạm Văn Minh Huân, Giám đốc hợp tác xã cho hay, cách đây 3 tháng đơn vị đã bán chiếc xe cho Salon Auto Hoàng Hải do ông Nguyễn Công Hải (trú Đông Anh, Hà Nội) làm chủ, sau đó, anh Nguyễn Ngọc Hồi (TDP 8, thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng) mua lại để làm dịch vụ đưa đón học sinh. Hiện tại, xe vẫn chưa thực hiện sang tên đổi chủ theo quy định.

“Lúc bán xe, người mua có mượn phù hiệu để chạy về Hà Nội vì sợ bị lực lượng chức năng xử phạt trên đường. Chủ xe đã hứa gửi lại để tôi trả lại cho Sở Giao thông - Vận tải TP. Hồ Chí Minh, nhưng đến nay không thấy trả. Xe đã xuất hóa đơn, chúng tôi không còn trách nhiệm nữa, hoàn thành thủ tục là việc của người mua và người đang sử dụng” - ông Huân cho hay.

 

Chiếc xe ô tô vi phạm được lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an huyện Krông Năng  đưa về trụ sở để lập biên bản xử lý. Ảnh: T.Hùng
Chiếc xe ô tô vi phạm được lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an huyện Krông Năng đưa về trụ sở để lập biên bản xử lý. Ảnh: T.Hùng

 

Theo bà Đinh Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Quang Trung, hằng năm vào đầu năm học mới, nhà trường và phụ huynh đều thống nhất ký hợp đồng với Nhà xe Thanh Hà để đưa đón học sinh. Tuy nhiên, do nhà trường có 2 cấp học (cấp 1 và cấp 2), hằng ngày giờ tan trường của học sinh cấp 1 sớm hơn cấp 2 khoảng 30 - 60 phút nên các cháu phải chờ đợi xe rất mệt mỏi. Vì vậy, mới đây nhà trường có hợp đồng làm dịch vụ đưa đón học sinh với anh Nguyễn Ngọc Hồi là tài xế kiêm chủ xe BKS: 51B-058.12, cũng là phụ huynh có con đang theo học tại trường.

“Tôi không rõ quy định xe đưa, đón học sinh phải có đăng kiểm, được cấp phù hiệu xe hợp đồng theo quy định. Khi ký hợp đồng, chúng tôi cũng đã ký cam kết với lái xe là phải bảo đảm an toàn cho học sinh, đưa đón đúng giờ, không để xảy ra bất cứ sự cố nào. Khi có thông tin phản ánh, nhà trường sẽ cho kiểm tra lại để phương tiện hoạt động theo đúng quy định. Sau khi phương tiện bổ sung giấy tờ hợp pháp theo quy định thì lúc đó nhà trường, phụ huynh mới cho các em lên xe này để tiếp tục đến trường, còn trong thời gian chờ đợi thì phụ huynh tự mình có phương án đưa đón con đến trường” - bà Xuân khẳng định.

Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Đức An, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự cơ động, Công an huyện Krông Năng cho biết: “Khi nhận được phản ánh, chúng tôi đã cử Tổ công tác tuần tra, kiểm soát trực tiếp dừng phương tiện để kiểm tra hành chính và sau đó đưa cả tài xế cùng phương tiện về trụ sở Công an huyện làm việc. Tại buổi làm việc, anh Nguyễn Ngọc Hồi đã thừa nhận, chiếc xe khách nêu trên hiện nay thuộc sở hữu của gia đình nhưng chưa đăng ký kinh doanh dịch vụ đưa đón học sinh, chưa được Sở Giao thông - Vận tải tỉnh cấp phù hiệu xe hợp đồng theo quy định. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã tiến hành lập biên bản vi phạm, tước Giấy phép lái xe 2 tháng theo quy định; đồng thời yêu cầu tài xế (kiêm chủ phương tiện) ký cam kết không đưa đón học sinh khi chưa bổ sung đầy đủ giấy tờ về kinh doanh vận tải theo đúng quy định của pháp luật. Nếu tái diễn, sẽ tiếp tục bị xử lý..."

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.