Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Kar: Phát huy hiệu quả mô hình "Tiếng kẻng an ninh"

06:26, 07/12/2020

Thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cuối năm 2011, xã Ea Ô (huyện Ea Kar) đã xây dựng mô hình điểm “Tiếng kẻng an ninh”.

Từ thành công của mô hình này, đến nay, huyện Ea Kar đã nhân rộng “Tiếng kẻng an ninh” trong toàn huyện, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ an ninh trật tự địa phương.

Nhằm phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân trong công tác giữ gìn, bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương, cuối năm 2011, Công an xã Ea Ô đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc triển khai mô hình “Tiếng kẻng an ninh” tại 21/21 thôn với 4 hiệu lệnh kẻng gồm: kẻng báo yên, kẻng báo thức, kẻng khuyến học, kẻng báo động. Các thôn tự chọn người điều hành kẻng và tuyên truyền rộng rãi cho người dân về quy chế hoạt động của mô hình.

Công an huyện Ea Kar kiểm tra hoạt động của mô hình
Công an thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar) tổ chức ra mắt mô hình "Tiếng kẻng an ninh" tại tổ dân phố 9 (thị trấn Ea Kar).

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ea Ô Bùi Trọng Lực cho biết: Mô hình “Tiếng kẻng an ninh” đã được cán bộ, nhân dân xã Ea Ô đồng tình ủng hộ, được các cấp đánh giá, ghi nhận là mô hình hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ của người dân. Từ khi có “Tiếng kẻng an ninh”, tình trạng trộm cắp, đánh nhau, gây rối trên địa bàn giảm hẳn, nạn bắt trộm chó được ngăn chặn, không còn tình trạng mất trộm cà phê.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Chương, Đội trưởng Đội Tổng hợp, Công an huyện Ea Kar cho biết: Phát huy hiệu quả của mô hình điểm ở xã Ea Ô, Công an huyện Ea Kar đã xây dựng Đề án nhân rộng mô hình “Tiếng kẻng an ninh” trên địa bàn huyện giai đoạn 2017 – 2020. Theo đó, năm 2018, Công an huyện đã phối hợp với công an các xã, thị trấn xây dựng mô hình này tại 20 thôn, buôn trong toàn huyện. Việc xây dựng và nhân rộng mô hình đã đẩy mạnh xã hội hóa phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, Công an huyện Ea Kar liên tục đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”; năm 2016 và 2018 vinh dự được Bộ Công an tặng Cờ thi đua “Đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua vì an ninh Tổ quốc”.

Chẳng hạn như ở thôn 9 (xã Ea Sar), trước đây tình hình an ninh trật tự rất phức tạp, tình trạng thanh niên tụ tập, gây rối, trộm cắp diễn ra thường xuyên. Năm 2018, thôn đã thành lập mô hình “Tiếng kẻng an ninh”. Ông Vũ Văn Tạo, Trưởng thôn 9 cho biết, trên cơ sở hướng dẫn của Công an huyện và Công an xã, cấp ủy, ban tự quản thôn đã xây dựng quy chế hoạt động; tổ chức họp dân tuyên truyền, phổ biến về hoạt động của mô hình, ký cam kết xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh trật tự, thống nhất giao cho một đảng viên điều hành kẻng. Từ khi có mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, các nẻo đường thôn, xóm trong thôn bình yên hơn bởi tinh thần cảnh giác cao và sự đoàn kết của người dân.

Công an huyện Ea Kar kiểm tra hoạt động của mô hình
Công an huyện Ea Kar kiểm tra hoạt động của mô hình "Tiếng kẻng an ninh" tại thôn 9, xã Ea Sar.

Thực hiện giai đoạn 2 của đề án, năm 2019 và năm 2020, Công an huyện Ea Kar đã tiếp tục tham mưu, hướng dẫn, tổ chức ra mắt mô hình “Tiếng kẻng an ninh” tại 34 thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện, nâng tổng số 75 thôn, buôn, tổ dân phố triển khai thực hiện mô hình. Hằng năm, Công an huyện chủ động triển khai các biện pháp, kịp thời tham mưu cho Thường trực Huyện ủy, UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đánh giá thực trạng tình hình an ninh trật tự trên địa bàn và hoạt động của mô hình; thực hiện tốt công tác dân vận, xây dựng mối quan hệ gắn bó với nhân dân.

Thượng tá Nguyễn Văn Dân, Trưởng Công an huyện Ea Kar đánh giá: Hoạt động của mô hình “Tiếng kẻng an ninh” đã phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, người có uy tín tham gia bảo vệ an ninh trật tự địa phương. Cùng với hoạt động của mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, Công an huyện cũng thực hiện quyết liệt, hiệu quả các đợt tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.