Multimedia Đọc Báo in

Giảng viên ngành Nông nghiệp phải đi thực tế nông thôn

23:07, 10/04/2010
Giảng viên ngành Nông nghiệp ngoài việc nâng cao năng lực chuyên môn, học vấn, cần phải đi thực tế nông thôn để có kinh nghiệm thực tiễn, tránh những bài giảng không cân đối giữa lý thuyết và thực hành. Đó là vấn đề được quan tâm tại Hội thảo về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Nông nghiệp Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 10-4
giảng viên nông nghiệp trường Đại học Tây Nguyên đi thực tế trên đồng ruộng
Giảng viên ngành Nông nghiệp trường Đại học Tây Nguyên đi thực tế trên đồng ruộng           Ảnh: H.H
Theo ý kiến một số đại biểu tại Hội thảo, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức và lãnh đạo quản lý của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã bộc lộ một số nhược điểm cần khắc phục ngay. Điển hình là hệ thống cơ sở đào tạo còn yếu kém, chương trình đào tạo còn nhiều trùng lắp, không cân đối giữa lý thuyết và thực hành. Đặc biệt, việc đánh giá nhu cầu đào tạo, đánh giá kết quả sau đào tạo còn rất yếu, phương pháp giảng dạy và học tập chậm đổi mới.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tới vai trò then chốt của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là cán bộ quản lý cấp cơ sở trong việc xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Phó Thủ tướng cho rằng, trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cần quan tâm đánh giá và điều tra hiện trạng đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo của ngành ở các địa phương. Có định hướng đổi mới trong công tác đào tạo và phải gắn với quy hoạch địa phương. Phó Thủ tướng giao các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ NNPTNT, Bộ Nội vụ tập trung xây dựng tiêu chuẩn cán bộ quản lý, xác định nhu cầu đào tạo, đổi mới chương trình bồi dưỡng cho các đối tượng là cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ chuyên môn kỹ thuật và nông dân, hình thành các chuẩn đầu ra cho các khóa đào tạo tương ứng với từng nhóm đối tượng là cán bộ trung ương, tỉnh huyện và xã; đổi mới việc quản lý các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng trong ngành Nông nghiệp.Đặc biệt, phải đổi mới cơ bản chất lượng giảng viên trong ngành. Ngoài việc giảng viên không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, học vấn cần phải đi thực tế nông thôn để có kinh nghiệm thực tiễn, gắn lý thuyết với thực hành.

                                                                                                                                          Theo chinhphu.vn

 

Ý kiến bạn đọc