Multimedia Đọc Báo in

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Sử dụng tiếng nước ngoài tùy tiện

19:22, 16/04/2010

Có một thực tế là hiện nay các bậc làm cha, làm mẹ lại thường xuyên dạy cho con cái họ cách xưng hô, chào hỏi… bằng tiếng nước ngoài (nhất là tiếng Anh). Chẳng hạn, khi gặp người lớn, thay vì chào hỏi bằng những từ ngữ gần gũi, thuần việt thì trẻ lại chào là “hê lô”, “hai” hay tạm biệt bằng “gút bai”. Khi đồng tình hay ủng hộ ý kiến, việc làm nào đó thì nói “ô kê” và thay cho lời cảm ơn là “thanh kiu”!

Một giờ học của cô, trò Trường Mầm non 1-6 (TP. BMT)
Một giờ học của cô, trò Trường Mầm non 1-6 (TP. BMT)

Chị Ngô Thị Tình (phường Tân An TP. Buôn Ma Thuột) nói: “Tôi có một cháu 3 tuổi, khi cháu bập bẹ biết nói tôi đã dạy cháu cách chào hỏi, tạm biệt mọi người bằng tiếng Anh, như thế cho dễ nhớ”. Nói như vậy chẳng lẽ tiếng Việt là khó nhớ hay sao? Đáng buồn hơn nữa nhiều bậc phụ huynh lại tỏ ra tự hào, hãnh diện vì cho rằng như thế con mình sớm tiếp xúc với ngoại ngữ. Thế nên, họ không thấy được tác hại của việc sử dụng tùy tiện tiếng lóng, vì thế hiện tượng này ngày càng có xu hướng phát triển mạnh. Lứa tuổi mầm non, tiểu học là lứa tuổi rất nhạy cảm, bắt chước rất nhanh những hành động, ngôn ngữ của người lớn. Đây là giai đoạn quan trọng để uốn nắn, trau dồi tiếng mẹ đẻ cho thật chuẩn thì nhiều bé lại được cha mẹ chỉ bảo, hướng dẫn sử dụng ngoại ngữ một cách tùy tiện, không phù hợp với lứa tuổi, hoàn cảnh giao tiếp. Vẫn biết rằng, việc cho trẻ sớm tiếp xúc với ngoại ngữ là điều cần thiết, nhất là trong thời kỳ hội nhập ngày nay. Nhưng  ông cha ta từng dạy: “Dạy con từ thuở còn thơ” hay “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, ngay từ khi trẻ bắt đầu có khả năng tư duy và sử dụng ngôn ngữ, nên cần sớm hình thành cho trẻ tình yêu đối với tiếng Việt. Như thế mới hình thành trong trẻ tình yêu quê hương, đất nước và ngôn ngữ của dân tộc mình.
Không chỉ ở lứa tuổi mầm non, tiểu học mà ngay cả các bạn sinh viên (những người đã nhận thức được tác hại của việc sử dụng tiếng nước ngoài một cách bừa bãi), cũng không ngần ngại buông ra những tiếng lóng một cách tùy tiện khi giao tiếp. Chẳng hạn như, khi thi trượt môn học nào đó, sinh viên thường nói với nhau: “tao “out” hay “died” môn này rồi”. Hoặc khi đồng ý hay không thì nói “yes”, “no”... Thực tế vẫn có rất nhiều bạn ý thức được việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt trong giao tiếp. Bạn Nguyễn Văn B. (Đại học Tây Nguyên), cho biết: “Chúng em học Anh văn, nên trong quá trình giao tiếp với các bạn cùng lớp thì thường xuyên sử dụng những từ tiếng Anh thông dụng để vừa rèn luyện cách nói, vừa ghi nhớ lâu hơn. Còn khi nói chuyện với các bạn khác lớp thì sử dụng hoàn toàn tiếng Việt, không có tiếng lóng. Nếu như bạn nào cũng ý thức được việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong giao tiếp thì vấn đề lai căng ngôn ngữ sẽ không đáng lo ngại nữa”.
Phải kể đến những phương tiện thông tin đại chúng, giới văn nghệ sĩ, rồi đến các biển hiệu quảng cáo… cũng “góp phần” không nhỏ vào việc sử dụng tùy tiện tiếng nước ngoài như: show (biểu diễn), live show (biểu diễn trực tiếp), collecion (sưu tập), sell off (hạ giá), Fair play (chơi đẹp)… với những cách nói này thì người dân làm sao hiểu được, vì đại bộ phận là không biết ngoại ngữ.
Tác hại dễ nhận thấy nhất của hiện tượng này là xuất hiện tâm lý dễ dãi, hời hợt trong việc sử dụng ngôn ngữ. Nếu hiện tượng trên không được điều chỉnh kịp thời, có thể hình thành những suy nghĩ lệch lạc về ngôn ngữ dân tộc, về tính văn hóa, bản sắc trong văn hóa giao tiếp của người Việt. Vì thế, để khắc phục tình trạng này các trường học phải chú trọng, đẩy mạnh giáo dục học sinh, sinh viên giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. 

Tô Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc