Multimedia Đọc Báo in

Niềm tự hào về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam

07:58, 18/04/2010

Bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành Di sản tư liệu thứ 2 của Việt Nam được đưa vào danh mục di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới của Tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) sau mộc bản triều Nguyễn.

Những di vật đã trở thành “bảo vật thế giới”
82 tấm bia đá (tương ứng với 82 khoa thi) ghi khắc họ tên, quê quán của 1307 vị tiến sĩ được đặt tại khu vực trung tâm của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ý tưởng dựng bia được khởi sự từ Lê Thánh Tông, vị vua tài cao, học rộng, quan tâm đến việc xây dựng nền văn hóa, giáo dục dân tộc và các đời sau kế tiếp đã dựng bia tiến sĩ.
Bia tiến sĩ được dựng trong thời gian gần 300 năm (1484 – 1780) nhưng đều được tạo bằng một loại đá xanh, khai thác từ núi An Thạch, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Kích thước không đều nhau, cùng đặt trên lưng rùa.
Thân bia, khắc niên đại tổ chức khoa thi. Bên dưới là bài ký khắc theo chiều dọc của bia, đọc từ trên xuống dưới, từ phải sang trái có nội dung ca ngợi triều  vua đang trị vì, tiếp theo là năm tổ chức khoa thi, tên và chức tước của các vị được vua sai tổ chức kỳ thi với nhiệm vụ cụ thể, số lượng thí sinh, người soạn văn bia, người nhuận sắc và cả người viết chữ để khắc đá cũng có tên trong bia.
Sau phần văn bia là họ tên, quê quán của các vị đỗ kỳ thi đó theo thứ tự từ cao xuống thấp: Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) rồi đến Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân và Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân…
Có thể thấy, mỗi tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mỗi bài ký trên bia là một áng văn mẫu mực thể hiện rõ quan điểm tư tưởng về triết học, sử học, về giáo dục đào tạo và sử dụng nhân tài.
Ngay ở tấm bia được dựng đầu tiên (khoa 1442) mục đích xây dựng bia cũng đã được ghi rõ ràng: “Ghi tên khắc đá bày nơi cửa hiền tài, khiến kẻ sĩ trông vào mà sinh lòng hâm mộ phấn chấn, tự rèn luyện lấy danh tiết”, hay quan điểm trọng nhân tài được thể hiện rõ qua đoạn: “Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”.
Thông qua các tấm bia có thể thấy được tên tuổi của nhiều danh nhân từng được nhắc nhiều trong các sử sách Việt Nam như nhà sử học Ngô Sĩ Liên, Tiến sĩ năm 1442 đã soạn bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư; nhà bác học Lê Quý Đôn, tác giả của Đại Việt thông sử, Kiến văn tiểu lục, Vân đài loại ngữ; nhà chính trị, ngoại giao lỗi lạc Ngô Thì Nhậm đỗ Tiến sĩ khoa 1775, đã giúp vua Quang Trung chiến thắng quân Thanh trong trận Ngọc Hồi-Đống Đa lịch sử…

Lễ đón Bằng công nhận 82 bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di sản tư liệu thế giới (Ảnh: T.L)
Lễ đón Bằng công nhận 82 bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di sản tư liệu thế giới (Ảnh: T.L)

Niềm tự hào về truyền thống hiếu học của dân tộc
Có thể thấy việc công nhận Bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám là Di sản tư liệu thế giới của tổ chức UNESCO quốc tế là một trong những sự kiện lớn và niềm tự hào của toàn thể nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung trong không khí toàn dân đang hướng về Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Trong Lễ đón Bằng công nhận 82 bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám là Di sản tư liệu thế giới vừa được tổ chức, Phó Thủ tướng Chính Phủ - Nguyễn Sinh Hùng cũng đã đánh giá: Bia tiến sĩ bằng đá đặt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một tài sản văn hóa vô giá của dân tộc Việt Nam, một biểu tượng tôn vinh đạo hiếu học, truyền thống đào tạo nhân tài bổ sung nguyên khí cho đất nước của nhân dân ta… Bởi vậy, việc bia đá được công nhận là Di sản tư liệu thế giới là niềm tự hào, tự tôn của hào khí dân tộc.
Bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam chia sẻ: Di sản tư liệu thế giới đã khẳng định sự đánh giá cao của các chuyên gia thế giới về ý nghĩa lịch sử và biểu trưng của 82 bia tiến sĩ. “Được chiêm ngưỡng di sản tư liệu này, tôi có thể cảm nhận được niềm tự hào lớn lao của các sĩ tử khi vượt qua vũ môn và được lưu lại tên tuổi trên những tấm bia. Những con rùa đá cũng là một minh chứng cho những giai đoạn huy hoàng trong lịch sử phát triển của Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi hoàng gia và các tinh hoa của đất nước đã từng học tập” – Bà Katherine Muller Marin nhận định thêm.
Nhiều chuyên gia thế giới, nhà khoa học trước đó cũng đã đánh giá: những tấm bia cũng là những tư liệu chân thực phản ánh một giai đoạn lịch sử kéo dài  hơn 300 năm dười triều Lê và Mạc, là bức tranh sinh động về việc đào tạo và tuyển dụng nhân tài ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Hiện nay, với vai trò là một di tích lịch sử - văn hóa quan trọng, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, mỗi ngày đón tới hàng nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế. Bởi vậy, việc bảo vệ để di tích, đặc biệt là 82 tấm bia tiến sĩ không bị xâm hại, đồng thời xây dựng được những kế  hoạch, phương án để phát huy giá trị di dản là công việc đang được đặt ra một cách cấp bách, nhất là khi Bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám được công nhân là Di sản tư liệu thế giới.

Theo Người Hà Nội


Ý kiến bạn đọc