Thiếu giáo viên dạy tiếng Êđê: Vì sao?
Thực hiện chủ trương bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào Êđê, những năm qua, tiếng Êđê đã được đưa vào dạy ở các trường học. Tuy nhiên, trên thực tế đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) lại quá ít so với nhu cầu.
Dak Lak hiện có hơn 1,8 triệu dân, gồm 44 dân tộc cùng sinh sống. Tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 30% tổng số dân, trong đó đồng bào Êđê chiếm 13,6%. Trong tổng số gần 49.000 học sinh (năm học 2009-2010), thì học sinh DTTS chiếm 33,7% (163.311 học sinh). Thời gian qua, việc dạy và học tiếng Êđê được thực hiện theo quy trình giáo dục liên thông từ Tiểu học (TH) lên THCS. Hiện nay, đã thực hiện dạy từ lớp 3 đến lớp 8, bậc TH thì tập trung ở những địa phương có đông đồng bào DTTS tại chỗ, THCS thì ở các Trường phổ thông Dân tộc nội trú. Từ đây có thể thấy, việc dạy tiếng Êđê cho các em học sinh DTTS là một vấn đề tất yếu và cần được chú trọng. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay thì vấn đề bức thiết nhất vẫn là thiếu giáo viên dạy tiếng Êđê trong các trường TH và THCS .
Học sinh Trường Tiểu học DTNT Buôn Ma Thuột phải dừng chương trình học tiếng Êđê vì không có giáo viên. |
Trao đổi về vấn đề này, ông Y Hạ Niê Kdăm, nguyên Trưởng Ban Nghiên cứu giáo dục học sinh dân tộc (Sở GD-ĐT), cho biết: Để công tác dạy, học tiếng Êđê có chất lượng, ngoài việc đào tạo trình độ chuyên môn cho cán bộ, cần phải bố trí đủ số lượng giáo viên đứng lớp. Theo yêu cầu, bình quân mỗi lớp cần 1,8 giáo viên. Nhưng thực tế, tỷ lệ đó chỉ được 0,2 đến 0,4 giáo viên/lớp. Như vậy, trung bình mỗi giáo viên dạy tiếng Êđê phải đảm nhận từ 3 lớp trở lên. Sở dĩ có tình trạng này là do số giáo viên dạy tiếng Êđê chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm từ các môn học tự nhiên – xã hội và các thầy cô là người đồng bào tại chỗ đã về hưu.
Trường TH Y Jút (TP. Buôn Ma Thuột) với 606 học sinh, trong đó học sinh DTTS 270 em, chiếm gần 45%. Năm 2002, trường đưa chương trình giảng dạy tiếng Êđê cho học sinh các lớp 3, 4 và 5. Từ đó đến nay, trường vẫn duy trì đầy đủ các chương trình dạy song ngữ Êđê - Việt, do 2 giáo viên người Êđê đảm nhiệm. Tuy nhiên, trong năm học 2009-2010, trường gặp khó khăn trong việc bố trí người giảng dạy tiếng Êđê, vì 2 giáo viên trước đây đã về hưu. Trước thực trạng đó, trường quyết định ký hợp đồng với 2 thầy cô khác, tuy nhiên đó cũng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, đến nay việc dạy học tiếng Êđê được triển khai ở 76 trường TH thuộc 13 huyện, thị xã, thành phố với 452 lớp, 10.296 học sinh, 12 trường DTNT với 34 lớp, 1.673 học sinh theo học. Trong khi đó, tổng số giáo viên của THCS chỉ có 13 và bậc TH là 128 người. |
Là người có nhiều kinh nghiệm trong dạy học tiếng Êđê, thầy Yblu Mlô, hiện là giáo viên hợp đồng của Trường TH Y Jút chia sẻ: “Dạy tiếng Êđê là một công việc rất khó khăn, đòi hỏi người giáo viên phải thành thạo tiếng nói và biết nhiều về chữ viết. Với chế độ phụ cấp cho giáo viên như hiện nay, tôi nghĩ khó mà thu hút giáo viên đã về hưu tiếp tục ký hợp đồng để dạy tiếng Êđê cho các trường học. Cô Nguyễn Thị Hương, Phó hiệu trưởng nhà trường còn cho biết thêm, hiện nay mỗi giáo viên dạy tiếng Êđê được phụ cấp 25.000 đồng/tiết, mà mỗi lớp 3, 4, 5 chỉ học tuần 8 tiết. Ngoài ra, họ không được hưởng chế độ nào khác. Chính vì thế mà việc ký tiếp hợp đồng với thầy Yblu Mlô và cô Hbăn Niê Siêng là rất khó thực hiện trong năm học tới.
Cùng “cảnh ngộ” với Trường TH Y Jút, Trường PTDTNT Buôn Ma Thuột cũng đang “dở khóc, dở cười” vì không có giáo viên dạy tiếng DTTS. Trong năm học 2009-2010, trường chỉ mới đưa tiếng Êđê vào dạy ở lớp 6 và đã ký hợp đồng với một giáo viên đã về hưu. Thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Học kỳ 1 trường vẫn đang duy trì dạy tiếng Êđê, nhưng sang học kỳ 2 này do giáo viên này đã xin nghỉ dạy nên việc học tiếng Êđê của các em bị tạm ngưng.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đỗ Thành Tiến, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Chúng tôi đang lập đề án trình lên UBND tỉnh để tăng lương và hỗ trợ chế độ phụ cấp cho giáo viên dạy tiếng Êđê nhằm khuyến khích họ gắn bó với công tác bảo tồn, lưu truyền tiếng và chữ viết dân tộc”.
Có thể thấy, để giải quyết thực trạng thiếu giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số, ngoài những chính sách phụ cấp hợp lý cho giáo viên, việc đào tạo giáo viên dạy môn học này từ các trường sư phạm là hết sức cần thiết để việc học tiếng Êđê ở các trường được duy trì ổn định.
Ý kiến bạn đọc