Multimedia Đọc Báo in

Khoảng trống trong giáo dục thể chất ở bậc Tiểu học

17:20, 28/05/2010

Trong các hoạt động hằng ngày của con người thì vận động thể dục - thể thao (TDTT) đóng một vai trò quan trọng, vì nó là nhân tố quyết định đến thể trạng và tầm vóc của con người, đặc biệt là với lứa tuổi học sinh Tiểu học (TH).

 

Ở bậc TH, theo quy định của Bộ GD-ĐT, học sinh được học môn Thể dục 2 tiết/tuần, mỗi tiết từ 35 đến 40 phút. Nhìn tổng thể, các trường đều bố trí giảng dạy vào đầu giờ học, tạo ra thời gian vận động phù hợp và là động lực tốt, giúp các em hứng khởi khi bước vào giờ học tiếp theo. Nhưng một thực tế đáng buồn là nhiều trường hiện nay vẫn đang thiếu GV ở nhiều bộ môn, đặc biệt là môn Thể dục. Riêng TP. Buôn Ma Thuột, hiện có 54 trường TH, 18 trường được công nhận là trường chuẩn Quốc gia nhưng chỉ có 5 trường là có GV chuyên trách môn Thể dục. Trường TH Tô Hiệu (phường Ea Tam) là một ví dụ, mặc dù đạt chuẩn Quốc gia từ năm học 1994-1995, nhưng trường không có GV thể dục, trong khi GV bộ môn khác lại thừa, nên phải bố trí những GV này đảm nhiệm giảng dạy môn Thể dục cho các em. Thầy Hiệu trưởng Trần Xuân Hùng chia sẻ: “Hiện nay, nếu nói để đủ GV giảng dạy môn thể dục thì trường chúng tôi cần tới 3 GV. Hằng năm nhà trường đều đưa nguyện vọng xin chỉ tiêu nhưng không được, nên đành phải phân GV môn khác đảm trách”. Không riêng gì Trường TH Tô Hiệu, mà đây là thực trạng chung của hầu hết các trường trong thành phố, những trường không bố trí được GV đảm trách thì chủ động hợp đồng với GV ngoài. Hiệu trưởng Trường TH Lê Thị Hồng Gấm (phường Thắng Lợi) Nguyễn Hữu Long cho biết: “Trường chúng tôi không có GV dạy môn thể dục, nên phân cho GV chủ nhiệm dạy mỗi tuần 1 tiết, và hợp đồng với GV ngoài dạy tiết còn lại cho HS, phụ huynh học sinh phải  có trách nhiệm đóng tiền (15.000 đồng/tiết) để trả lương cho GV hợp đồng”. Nhiều trường coi thể dục là môn phụ, dạy học chỉ mang tính hình thức, nên ít chú trọng đến việc giảng dạy của thầy và việc học của trò. GV thiếu đã đành, điều kiện sân bãi, dụng cụ, nhà tập luyện TDTT… còn nhiều hạn chế và thiếu thốn, thậm chí nhiều trường không có nơi cho các em tập trung. Dạy và học trong điều kiện như vậy, lẽ tất yếu là chất lượng và hiệu quả sẽ không cao, không  bảo đảm tính khoa học. Bởi GV đảm trách nếu chuyên môn không vững, dạy không đúng, học sinh tập sai sẽ phản tác dụng. Còn GV hợp đồng dạy học rất hời hợt, trách nhiệm với học sinh, lớp học, chuyên môn… chưa cao, vì họ chưa đề cao trách nhiệm nghề nghiệp của mình. Thầy Nguyễn Văn Lịch, GV Thể dục Trường TH Lê Thị Hồng Gấm nói: “Tôi là GV một Trường THCS khác, buổi sáng tôi dạy học tại trường, còn buổi chiều tôi sang Trường TH Lê Thị Hồng Gấm dạy hợp đồng”. Thử hỏi những GV như vậy thì họ sẽ dành bao nhiêu thời gian tâm huyết cho nghề?.         

Giờ học Thể dục (môn đá cầu) của các em Trường TH Lê Thị Hồng Gấm (TP. Buôn Ma Thuột).
Giờ học Thể dục (môn đá cầu) của các em Trường TH Lê Thị Hồng Gấm (TP. Buôn Ma Thuột).
Để việc dạy và học hiệu quả môn Thể dục, ngành Giáo dục cần có chương trình, kế hoạch cụ thể đối với mỗi độ tuổi ở bậc TH, như: Xây dựng các chế độ vận động khác nhau cho phù hợp với sự phát triển của từng lứa tuổi, và nên đưa vào nhà trường các môn Thể thao mang tính đại chúng (bóng đá, bơi, cầu lông…). Trong quá trình giảng dạy, GV nên có sự kết hợp giữa dạy nội khóa và hoạt động ngoại khóa, bằng việc xây dựng mô hình các câu lạc bộ Thể thao trong trường và các hình thức hoạt động thể thao khác. Còn đối với GV, cần có chế độ riêng cho đội ngũ GV chuyên trách để họ giảng dạy tốt hơn. Với GV chủ nhiệm và GV bộ môn khác kiêm nhiệm dạy môn Thể dục cần được bồi dưỡng, tập huấn trao đổi kinh nghiệm thường xuyên để dạy học đạt kết quả, góp phần nâng cao thể chất của các em ở độ tuổi từ 6 đến 10 tuổi. Về lâu dài, cần phải có đội ngũ GV dạy Thể dục được đào tạo bài bản, chuyên môn hóa cao, tiến tới xóa bỏ loại hình GV Thể dục kiêm nhiệm.
 
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi, mua sắm dụng cụ… phục vụ cho việc học của học sinh, thì các trường nên trú trọng đến việc mặc đồng phục thể dục để các em có thể vận động một cách thoải mái khi học, mang lại hiệu quả cao hơn. Hiệu trưởng Dương Ngọc Châu, Trường TH Quang Trung (huyện Cư Kuin) nói: “Để giảng dạy môn thể dục đạt hiệu quả tốt, tạo cho các em cảm giác thoải mái trong quá trình học, trường chúng tôi đang thiết kế bộ trang phục thể dục cho các em.  Như vậy, mới nâng cao chất lượng và hiệu quả việc dạy và học môn Thể dục ở bậc TH”.

 

Tô Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc