Multimedia Đọc Báo in

Cần chuẩn bị tốt Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

14:48, 11/06/2010

Qua 4 năm thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, tại huyện Krông Bông, tình trạng học sinh người dân tộc thiểu số “ngồi sai lớp” vẫn chưa được khắc phục triệt để; tỷ lệ học sinh yếu, lưu ban, bỏ học hằng năm vẫn không giảm nhiều so với trước đây. Tổng kết năm học 2009-2010 ở bậc Tiểu học trên địa bàn huyện, có đến 980/4.087 học sinh người dân tộc thiểu số xếp loại học lực yếu, chiếm 23,99% (năm 2006, tỷ lệ này là 25,4%)…

Một lớp học ở vùng sâu huyện Krông Bông.
Một lớp học ở vùng sâu huyện Krông Bông.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: cơ sở vật chất thiếu thốn, chương trình chưa được giảm tải phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số, giáo viên chưa đổi mới phương pháp dạy học một cách hiệu quả, học sinh “ngồi sai lớp” nhiều nhưng không đưa các em về “ngồi đúng lớp” nên cứ “ngồi nhầm” hết năm này sang năm khác, thiếu sự phối hợp của gia đình, học sinh lười học… Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản là các em bị hổng kiến thức ngay từ các lớp đầu cấp do vốn tiếng Việt còn hạn chế.
 
Không có vốn tiếng Việt cơ bản thì chắc chắn không thể tiếp thu kiến thức một cách chủ động mà các em chỉ nhớ một cách máy móc, rất dễ quên. Chuẩn bị tốt tiếng Việt cho học sinh trước và sau khi vào lớp Một, xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu cho học sinh học 2 buổi/ngày ở những trường có học sinh dân tộc thiểu số (nhất là ở vùng sâu vùng xa) là những giải pháp tốt nhất để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh. Thiết nghĩ, để làm được điều này trước hết phải bắt đầu từ bậc học mầm non. Huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra mẫu giáo ít nhất là 2 năm (từ 4-5 tuổi) để các em có điều kiện tiếp xúc và có vốn tiếng Việt cơ bản trước khi bước vào lớp 1. Ở bậc Tiểu học, nhất là lớp Một, cùng với việc tăng thời lượng dạy tiếng Việt từ 350 tiết lên 500 tiết theo sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT thì cần tạo điều kiện cho các em học 2 buổi/ngày; chấp nhận tách các em yếu kém, “ngồi sai lớp” thành nhóm riêng để phụ đạo cho các em bằng một chương trình phù hợp. Để làm được điều này, các trường cần phải đầu tư xây dựng phòng học, bàn ghế đủ cho học sinh lớp 1, lớp 2 học 2 buổi/ngày và mỗi lớp học không nên vượt quá 25 em để giáo viên có điều kiện kèm cặp học sinh yếu. Gia đình cũng cần phối hợp với nhà trường để rèn luyện tiếng Việt cho các em; các tổ chức, đoàn thể ở địa phương cũng cần góp sức tạo những sân chơi lành mạnh, tạo điều kiện cho các em giao lưu, học hỏi và trau dồi tiếng Việt trong thời gian nghỉ hè…
Tùng Lâm

Ý kiến bạn đọc