Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ những buổi học ngoại khóa cho học sinh

16:44, 04/06/2010

 

Sinh hoạt ngoại khóa, một trong những hoạt động cung cấp, củng cố kiến thức cho học sinh, tạo cho các em niềm hứng thú, say mê với môn học hay các vấn đề xã hội. Thực tế từ những buổi ngoại khóa này cho thấy, học sinh được bổ sung kiến thức kịp thời.
Học sinh tham gia trả lời câu hỏi dành cho khán giả ở buổi ngoại khóa Văn học tại trường THPT Trần Phú.
Học sinh tham gia trả lời câu hỏi dành cho khán giả ở buổi ngoại khóa Văn học tại trường THPT Trần Phú.

Ngoại khóa – hoạt động chuyên môn bổ ích
Những năm trở lại đây, việc đổi mới phương pháp dạy và học để nâng cao chất lượng giáo dục đang được nhiều trường học trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung kết hợp đổi mới trong giảng dạy giờ chính khóa, lẫn hoạt động ngoại khóa. Có thể nói, ngoại khóa giúp giáo viên và học sinh phát huy tính chủ động sáng tạo, khơi gợi niềm say mê hứng thú học tập, thực hành rèn luyện các kỹ năng sống, tổ chức, giao tiếp, định hướng nghề nghiệp,... Theo quan niệm đổi mới phương pháp dạy học hoạt động ngoại khóa là một hình thức tự học tích cực, bổ ích và có hiệu quả; nối liền bục giảng với thực tiễn đời sống; vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn; phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học, kiểm tra lại chất lượng dạy học trong giờ chính khóa. Qua đó, học sinh được phát triển cân đối về trí tuệ, đạo đức, thể dục và mỹ thuật.
Hiện nay, từ các trường Tiểu học đến THPT đều thực hiện những chương trình ngoại khóa cho học sinh như: Văn học; Lịch sử; Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; An toàn giao thông; tham quan bảo tàng, khu di tích lịch sử,… và tổ chức chương trình Game show mang tính trí tuệ nhằm tạo sân chơi lành mạnh, các em có cơ hội phát huy khả năng cá nhân. Trong những buổi ngoại khóa, học sinh được giao lưu với nhau, có thể phát huy tính năng động, sáng tạo của mình mà không bị hạn chế bởi những căng thẳng như trong giờ học trên lớp. Có thể nói, đây là một hoạt động vừa có ý nghĩa thực tiễn vừa có ý nghĩa khoa học, nó giúp người dạy khắc phục được những bất cập trong chương trình giữa thời gian cho phép và khối lượng kiến thức cần phải truyền đạt; mở rộng và đào sâu những nội dung quan trọng, bổ sung những vấn đề chưa được đặt ra trong chương trình chính khóa. Tăng cường tính thời sự, tính xã hội cho nội dung bài học, giúp các em có thể hiểu sâu hơn về những giá trị văn hóa, truyền thống của cha ông, của quê hương, đất nước. Nâng cao nhận thức cho học sinh về các vấn đề xã hội như chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; phòng chống ma túy, AIDS; phổ biến Luật Giao thông đường bộ…
Thiết thực từ các trường học
Năm học 2009-2010, Phòng GD&ĐT thị xã Buôn Hồ đã thực hiện kế hoạch phân công trường học chăm sóc di tích lịch sử trên địa bàn. Cụ thể, trường ở gần điểm di tích nào thì nhận chăm sóc di tích đó. Hằng tháng, các trường cử 1 hoặc 2 lớp đến điểm di tích để làm cỏ, quét dọn khuôn viên, tưới cây, thắp nhang. Đặc biệt, vào những ngày lễ như giải phóng Buôn Ma Thuột (10-3), Thương binh - liệt sĩ (27-7) các trường tổ chức buổi nói chuyện, tuyên truyền về truyền thống đánh giặc cứu nước của cha ông. Thông qua những hoạt động này, góp phần giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” cho học sinh. Em Vũ Thị Thu Hương, học sinh lớp 9A3, Trường THCS Ngô Quyền (xã Cư Bao) phấn khởi nói, từ việc chăm sóc và học tập ở các di tích lịch sử, chúng em càng hiểu biết ý nghĩa, giá trị văn hóa của các điểm di tích; có kiến thức lịch sử vững vàng, đặc biệt là lịch sử địa phương.
Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn Văn học, vừa qua, Trường THPT Trần Phú (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) đã tổ chức buổi ngoại khóa văn học cho học sinh khối lớp 11, thu hút đông đảo học sinh cả 3 khối lớp trong trường tham gia. Buổi ngoại khóa xoay quanh 4 chủ đề chính: Kiểm tra kiến thức tiếng Việt; kiến thức về các tác giả, tác phẩm văn học; thi tài năng; cảm nhận về Bác Hồ kính yêu và hình tượng người nông dân trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Thông qua hoạt động này, giáo viên và học sinh có thể khai thác tác phẩm Văn học ở nhiều góc độ. Không những thế, các em có dịp thể hiện năng khiếu, nâng cao khả năng tư duy độc lập và sáng tạo của mình. Thầy Nguyễn Văn Tâm, Tổ trưởng tổ Văn tâm sự: “Đây là hoạt động bổ ích và cần thiết cho giáo viên và học sinh của trường trong việc dạy, học. Ngoài việc củng cố những kiến thức đã học, các em còn được cung cấp thêm những lượng kiến thức mà giáo viên không có thời gian nói đến trong giờ học”.
Là một trường ở khu vực nông thôn, nhưng từ nhiều năm nay, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Bé (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) luôn chú trọng thực hiện những hoạt động ngoại khóa cho học sinh như: Câu lạc bộ Toán học, thi “Rung chuông vàng” dành cho học sinh các khối. Việc tạo sân chơi này phần nào giúp các em có được sự mạnh dạn, tự tin, và hứng thú học tập ngay từ bậc Tiểu học, thầy Đinh Thế Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Hay như Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Krông Pak) thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa với nhiều chủ đề như: mừng Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10); nhớ ơn thầy cô (20-11); kỷ niệm Ngày học sinh sinh viên (9-1); mừng Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12),… từ đó đã góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách của mỗi học sinh. Đặc biệt, vào khoảng tháng 3 hằng năm, Ban chấp hành Đoàn trường thường phối hợp với Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện tổ chức ngoại khóa tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên cho các em học sinh trong trường qua các hình thức: phát tài liệu tuyên truyền, trả lời những câu hỏi về sức khỏe sinh sản, văn nghệ, tiểu phẩm vui. Bên cạnh đó, các thầy, cô giáo còn tuyên truyền, tư vấn về những kiến thức cần thiết như: những thay đổi của tuổi dậy thì, chăm sóc sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên, làm thế nào để phòng tránh bị HIV/AIDS; tránh tảo hôn và kết hôn cận huyết thống…
Thúy Hồng

Ý kiến bạn đọc