Multimedia Đọc Báo in

Để sáng kiến kinh nghiệm giáo dục đạt hiệu quả trong thực tế

10:05, 07/07/2010

Sở GD-ĐT vừa thông báo kết quả xét sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) năm 2010 với 502 sáng kiến tham gia dự thi cấp tỉnh (tăng 142 SKKN so với năm 2009), trong đó có 274 SKKN đoạt giải. Những SKKN đoạt giải này nếu được áp dụng rộng rãi và nghiêm túc thì sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, trong hoạt động này còn nhiều điều bất cập, hạn chế. Toàn tỉnh có gần 30 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên nhưng số lượng và chất lượng SKKN dự thi cấp tỉnh chưa tương xứng; đặc biệt ở bậc Tiểu học chỉ có 27 SKKN đoạt giải trung bình (không có SKKN nào đạt loại khá trở lên). Có thể nói, xảy ra tình trạng này là do nhiều người còn xem nhẹ việc viết SKKN, chủ yếu là để đối phó chứ chưa thực sự quan tâm đầu tư về chất lượng. Dễ nhận thấy nhiều SKKN ít sáng tạo, sai lỗi chính tả, thể thức, hình thức, nội dung sơ sài, có những SKKN được chép từ mạng Internet hoặc sao chép lại của đồng nghiệp, thậm chí có trường hợp còn mượn người viết hộ... Bên cạnh đó, việc phổ biến và áp dụng những SKKN đoạt giải trong thời gian qua cũng chưa được chú trọng. Hằng năm tỷ lệ SKKN được phổ biến áp dụng trong toàn ngành rất ít dẫn đến lãng phí. Xảy ra tình trạng này do việc phổ biến chưa kịp thời, tổ chức triển khai chưa nghiêm túc, đội ngũ cán bộ, giáo viên ít sáng tạo trong việc vận dụng nên hiệu quả không cao...
Thiết nghĩ, để đưa SKKN vào áp dụng rộng rãi trong toàn ngành nhằm nâng cao chất lượng trong công tác quản lý và giảng dạy trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trong đội ngũ cán bộ, giáo viên về về việc áp dụng những SKKN vào điều kiện của từng đơn vị; xem áp dụng SKKN là một trong những hoạt động giáo dục thường niên, không thể thiếu. Sau khi có kết quả xét công nhận thì Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT phải thông báo và kịp thời đăng tải trên mạng nội bộ ngành. Các trường nên lựa chọn những SKKN phù hợp với điều kiện của đơn vị, đặc biệt là những đề tài mà nhà trường đang hết sức quan tâm để tổ chức thành chuyên đề một cách nghiêm túc. Cán bộ, giáo viên sau khi tiếp nhận phải áp dụng một cách tự giác, trách nhiệm và sáng tạo. Thường xuyên đánh giá việc áp dụng SKKN bằng cách khảo sát kết quả để rút kinh nghiệm, nhân rộng và có hình thức khen thưởng động viên những người thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả cao trong việc áp dụng SKKN ở đơn vị.

                                                                                                                                       Tùng Lâm

 


Ý kiến bạn đọc