Không cấp lại bản chính văn bằng, chứng chỉ
Bộ GD-ĐT vừa có văn bản hướng dẫn một số nội dung về văn bằng, chứng chỉ của giáo dục ĐH và TCCN. Theo đó, bản chính văn bằng, chứng chỉ trong bất cứ trường hợp nào cũng không được cấp lại. Cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ có trách nhiệm chỉnh sửa nội dung ghi trên văn bằng, chứng chỉ đã cấp cho người học trong 2 trường hợp: Sau khi được cấp văn bằng, chứng chỉ, người học được cơ quan có thẩm quyền cải chính hộ tịch theo quy định của pháp luật về cải chính hộ tịch; các nội dung ghi trên văn bằng, chứng chỉ bị ghi sai do lỗi của cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ. Ngoài hai trường hợp này, người có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ không được phép chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ đã cấp cho người học.
Bản chính văn bằng, chứng chỉ gốc không được cấp lại trong bất kỳ trường hợp nào. Ảnh: T.N |
Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó. Do đó, khi làm các thủ tục cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học, người có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ có trách nhiệm xác định chính xác các nội dung liên quan đến nhân thân ghi trên văn bằng, chứng chỉ căn cứ vào giấy khai sinh của người học.
Người học có trách nhiệm cung cấp chính xác các thông tin để ghi trên văn bằng, chứng chỉ. Trước khi cấp phát văn bằng, chứng chỉ, người có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ cần đưa thông tin sẽ ghi trên văn bằng, chứng chỉ cho người học để người học kiểm tra tính chính xác của thông tin.
Trong trường hợp nội dung về nhân thân của người học đã ghi trên văn bằng, chứng chỉ không khớp với bản chính giấy khai sinh do lỗi của người học như cung cấp bản sao chứng thực giấy khai sinh sai so với bản chính; mượn giấy khai sinh của người khác để đi học, có nhiều giấy khai sinh khác nhau,... thì người có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ không có trách nhiệm chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ.
Về hình thức ghi văn bằng, Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh: Nếu người học theo học chương trình giáo dục chính quy thì ghi Hình thức đào tạo là “Chính quy”, nếu theo học chương trình giáo dục thường xuyên thì chỉ ghi một trong ba hình thức: Vừa làm vừa học; Học từ xa; Tự học có hướng dẫn. Người học theo học chương trình giáo dục thường xuyên theo hình thức đào tạo nào thì trên văn bằng ghi hình thức đào tạo đó.
Theo Dân trí
Ý kiến bạn đọc