Multimedia Đọc Báo in

"Trường học Việt Nam" trên Biển Hồ

10:49, 19/09/2010

Giữa mênh mông sóng nước Biển Hồ (Campuchia) có một ngôi trường mang tên “Trường học Việt Nam”. Gọi là trường nhưng thực ra đó chỉ là một căn nhà bè nổi 2 tầng bằng gỗ, tổng diện tích khoảng 70m2 làm nơi dạy học cho con em người Việt sinh sống tại đây…

Hơn 10 năm trở lại đây, giữa khu dân cư người Việt sống lênh đênh trên mặt Biển Hồ (ấp 7, xã Changknia, thành phố Siêm Riệp) mọc lên một ngôi trường bằng gỗ. Gọi là trường nhưng thực chất đó chỉ là một căn bè nổi 2 tầng, chừng 70m2 trên mặt nước. Phía trước trường, nơi trang trọng nhất có một tấm biển xanh, sơn dòng chữ “Trường học Việt Nam”. Có lẽ đây là nơi duy nhất giữa mênh mông xứ người còn lưu giữ tài sản cha ông để lại cho ngư dân Việt kiều tại Biển Hồ, đó là chữ Việt.

Toàn cảnh ngôi trường
Toàn cảnh ngôi trường

Người có công lớn nhất trong việc xây dựng ngôi trường này là một Việt kiều đã gần 60 tuổi, tên Võ Văn Đầy (mọi người thường gọi là Sáu Đầy), nguyên Chủ tịch Hội Việt kiều ấp 7. Ông Đầy vốn sinh ra trong một gia đình ba đời người Việt sống trên Biển Hồ. Với niềm khao khát lưu truyền cội nguồn cho con cháu người Việt tại Biển Hồ, ông đã lặn lội vận động, xin kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau rồi trực tiếp “thi công” trường học. Xây dựng trường xong, ông Sáu Đầy lại phải tự mình chèo xuồng đến từng gia đình, vận động mọi người cho con em đến trường. Cho đến bây giờ, dù cũng phải bươn chải kiếm cơm nhưng khi nghe tin lớp học vắng học sinh nào là ông lại tìm đến nhà tìm hiểu lý do, vận động các em đến lớp. Ngoài ông Sáu Đầy, ở đây còn có 2 thầy giáo, đó là thầy Trần Văn Tư (74 tuổi) và Nguyễn Minh Luân (23 tuổi). Hai con người được xem là đại diện cho hai thế hệ nhưng có cùng một khát khao cháy bỏng là truyền dạy chữ Việt cho con em kiều bào nơi này. Các thầy không có một khoản phụ cấp, lương bổng gì, trái lại còn phải “nhường cơm sẻ áo” cho học trò của mình. Thầy Tư xin “đứng bục” kể từ ngày thành lập trường, còn thầy Luân thì mới sang được vài năm. Trên vách tường của lớp học, có một khung hình dán tờ giấy nhỏ ghi nội dung: “Tôi: Trần Văn Tư, sinh năm 1937, tự tình nguyện sang Biển Hồ, Campuchia để dạy học từ thiện cho con em Việt kiều nhớ lại nguồn gốc của ông cha chúng ta để lại thế hệ mai sau” (trích nguyên văn). Cư dân Việt trên Biển Hồ cho biết, đó là lời “thề nguyền” của ông giáo già Trần Văn Tư kể từ ngày ông từ Việt Nam sang đây dạy học từ thiện. Về sự có mặt của mình ở ngôi trường này, thầy Luân tâm sự: “Khi còn học THPT ở quê nhà, tôi có nghe nhiều người kể về những đứa trẻ là con em ngư dân người Việt sinh sống ở Biển Hồ không có điều kiện đi học do gia đình quá khó khăn. Thấy cảnh thất học của tụi nhỏ, tôi thương quá nên sau khi học xong lớp 12, nhân dịp qua thăm người bác ruột đang sống ở Biển Hồ, tôi quyết định ở lại dạy chữ cho các em”. Hiện tại, thầy Tư dạy các lớp 1, 2 và 3, còn thầy Luân dạy lớp 4 và 5. Mỗi lớp có khoảng 40 em học sinh, các em chỉ học 2 tiếng rưỡi/ngày vì phải nhường phòng cho các lớp khác học.
Nói về việc học ở đây, thầy Tư cho biết: Cũng không khác đồng bào trong nước ở những vùng sâu, vùng  xa, nghèo khó là mấy. Chính những khó khăn trong cuộc sống là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng bất lợi đến việc học hành của bọn trẻ. Việc kiếm cái ăn qua ngày còn chật vật khiến nhiều gia đình không quan tâm đến việc học của bọn trẻ, thậm chí là không muốn cho con đi học. Cá biệt, có người còn nghĩ nông cạn rằng, sống ở Campuchia cần gì phải học tiếng Việt.
Thầy Trần Văn Tư trong giờ dạy học lớp 3.
Thầy Trần Văn Tư trong giờ dạy học lớp 3.
Em Trần Văn Tính, 16 tuổi, học lớp 4 nói: “Mùa này chưa đến vụ đánh bắt cá rộ nên em mới được đi học đầy đủ. Nhưng muốn đi học phải đưa luôn cả em gái Trần Thị Pha (6 tuổi, học lớp 1) đi theo để vừa học, vừa trông em cho ba mẹ đi làm thuê”. Tính cho biết thêm, nhà có 5 anh em nhưng chỉ có hai anh em được đi học, các anh chị khác phải theo ba mẹ đi chài lưới hoặc làm thuê để kiếm tiền mua gạo. Chị Nguyễn Thị Hồng (31 tuổi) có 7 người con nhưng cũng chỉ đủ sức lo cho cháu Bùi Thị Hà (15 tuổi) đi học, số còn lại phải phụ giúp anh chị kiếm sống.

Trường học trên Biển Hồ dạy theo giáo trình phổ thông của Việt Nam. Học sinh được cấp “Giấy chứng nhận học lực” do chính người sáng lập trường Võ Văn Đầy ký. “Trường học này không có trong hệ thống giáo dục của nước sở tại nên giấy chứng nhận đó cũng chỉ để động viên các cháu chứ không có giá trị gì hết. Khi học “hết chữ” của các thầy ở đây, chúng đâu lên các trường của Campuchia học được!”, ông Đầy giải thích.

 

Lê Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc